"Bài viết nói chung không có gì sai nhưng bản thân tôi chỉ có ý kiến rằng, có rất nhiều vật chất tại xã hội chúng ta không phải là tiền tệ nhưng vẫn là thứ có thể đem ra sử dụng để thanh toán giao dịch thay cho tiền tệ.
Mở rộng ra là chỉ cần vài tổ chức, cá nhân chấp nhận Pi để niêm yết và giao dịch nhằm vài mục đích kinh doanh của họ, đính kèm trong thanh toán cùng các tiền tệ, vật chất khác, thì nó sớm muộn gì cũng sẽ có giá trị mà thôi, vấn đề chỉ là thời gian".
Độc giả honglamvnn nêu quan điểm như trên, sau câu hỏi "cái gì bảo chứng cho tiền ảo Pi để chúng có giá trị" trong bài viết 'Mua xe gì khi có 13 nghìn tiền ảo Pi sau 6 năm'.
Trong bài viết, tác giả đặt vấn đề: "Quay lại đồng tiền ảo Pi, với người miệt mài đào 6 năm nay, lộc từ trên trời rơi xuống, sau chừng ấy thời gian, là một điều đáng mừng.
Nhưng vận dụng kiến thức tài chính cơ bản, tôi vẫn nghi ngờ 'cái gì sẽ bảo chứng cho Pi?'".
Độc giả vudoanthailam viết: "Cốt lõi để một thứ gì đó có giá trị không những trao đổi mà còn dùng làm tài sản thì nó phải tuân theo một trong các quy tắc sau đây:
1. Nó hữu hạn, người có nhiều nó ít hơn người có ít nó.
2. Nó không chỉ có giá trị trao đổi mà còn có giá trị sử dụng.
3. Nó được pháp luật bảo vệ, được một quốc gia hay một nền kinh tế xác nhận sử dụng để trao đổi và được cả thế giới công nhận dùng trong cuộc sống.
4. Người ta sẵn sàng bỏ ra rất nhiều sức lao động của bản thân mình để kiếm và trao đổi được nó.
Như 4 vế trên thì vàng có cả 4 thứ; tiền mặt có 1,3,4; Bitcoin có 1,4. Vậy Pi có cái gì?
Bình luận phản biện, bạn đọc ngthaiduyanh nói:
"Tôi không phải là Pi thủ, nhưng quay về thời điểm Bitcoin mới bắt đầu (khoảng 2009-2010) thì: Số (1) có nhưng số (4) thì giá trị rất nhiều số 0 sau dấu phẩy, kể cả Vàng ở thời kỳ đồ đá thì chả ai dùng để trao đổi hay mua bán, chủ yếu trao đổi là lương thực vì cần thức ăn để sinh tồn.
Quay về Pi thì (1) Pi có tổng nguồn cung là 100 tỉ token, (2) có thể bây giờ chưa có giá trị sử dụng nhưng sau này thì không chắc -> tương tự như Bitcoin, Vàng ở thời kỳ đầu sơ khai.
(3) Hiện tại, Crypto nói chung thì không có quốc gia nào bảo chứng, kể cả Bitcoin, nhưng sắp tới có thể sẽ khác vì Mỹ đang có dự luật dự trữ Bitcoin làm tài sản kỹ thuật số
(4) Vậy nếu lá mít như Bitcoin lúc giá 0,0x thì bạn có quay lại quá khứ để bỏ 10Usd ra để sở hữu nó không khi bạn biết trước được giá sẽ 100 nghìn USD như hiện tại?".
Trong bài viết Nguy cơ 'bơm xả' khi giá tiền ảo Pi 'ghi nợ' tăng đột biến, những người am hiểu tiền số lâu năm cảnh báo Pi Network "mở mạng" có thể kích hoạt các đợt "bơm xả" như những gì xảy ra với các meme coin trong quá khứ.
"Nhiều người chỉ chờ khoảnh khắc này để bán số Pi đã kiếm được. Tôi nghĩ sẽ có một 'cú xả' lớn sau Open Network, vì ai cũng chờ bán Pi", Thế Anh, quản trị viên một nhóm Pi Network chia sẻ.
Đây cũng là nhận định của độc giả nickname kaka :
"Tôi nghĩ để một cái gì đó có 'giá' đầu tiên là phải có rất nhiều người quan tâm. Và Pi hiện tại có hơn 50 triệu người đặt niềm tin, đó là con số đủ dùng.
Nhưng trong số 50 triệu người đó, đa số là những người mong mỏi Pi lên sàn để 'bung lụa'.
Chính vì vậy theo cá nhân tôi Pi sẽ 'chết hẻo'.
Tái bút: Tôi cũng là một người đang khai thác Pi và không có ý định bán sớm".
Nhiều sàn tiền số niêm yết tiền ảo Pi dạng ghi nợ (IOU) đồng loạt thông báo hủy token này "để bảo vệ quyền lợi người dùng". "Vì Pi Network sẽ mở mạng ngày 20/2, CoinW sẽ hủy niêm yết Pi IOU vào ngày 13/2 để bảo vệ quyền lợi của người dùng", sàn tiền số CoinW tại Hong Kong ra thông báo. "Người dùng nắm giữ tài sản này được khuyến cáo đóng các vị thế của họ trước khi hủy niêm yết". Một sàn khác là BitKan cũng ngừng giao dịch Pi dạng ghi nợ: "Chúng tôi hiện có quy trình niêm yết và đánh giá nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm an toàn, chất lượng. Việc hủy cũng nhằm mục đích này". |
Hữu Nghị tổng hợp