Theo báo cáo của Chainalysis, lừa đảo tiền mã hóa đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD năm 2021, cao gấp gấp đôi mức 7,8 tỷ USD năm 2020. Hiệp hội Các nhà Quản lý Chứng khoán Bắc Mỹ (NASAA) cũng cho rằng tiền điện tử đang là mối đe dọa lớn nhất với nhà đầu tư. Loại hình này tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo do khó khăn trong việc xác minh danh tính đối tác cũng như chưa được pháp luật bảo vệ. NASAA chỉ ra ba kịch bản chiếm đoạt tiền điện tử phổ biến hiện nay.
Pump and dump (Bơm và xả)
Ở hình thức này, một số người sẽ mua một lượng lớn tiền điện tử từ một dự án đang có giá trị thấp, kết hợp quảng bá trên phương tiện truyền thông để tạo tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Tâm lý này khiến nhiều người khác mua theo, từ đó kéo giá của đồng tiền số đó tăng vọt. Đến một ngưỡng nào đó, nhóm người mua ban đầu sẽ bán toàn bộ lượng token đang nắm giữ, thu lời, đồng thời cũng khiến giá của token giảm mạnh. Khi đó, người mua sau sẽ trở thành nạn nhân khi đồng tiền mình sở hữu mất giá.
Một biến thể khác của hình thức này là "rút thảm" (rug pull), thể hiện khi một nhóm phát triển tiền số nào đó từ bỏ dự án đột ngột và mang theo tất cả số tiền có được của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc dễ dàng tạo ra token mới trên blockchain, sau đó và niêm yết trên các sàn phi tập trung (DEX) là kẽ hở để các nhóm tìm cách khai thác và tiến hành chiêu lừa này. Báo cáo của Chainalysis cho thấy chiêu trò "rút thảm" chiếm 37% trong tổng thiệt hại liên quan đến tiền điện tử năm 2021, khiến nhà đầu tư mất số tiền tổng cộng gần 3 tỷ USD.
Nhiều người chơi tiền điện tử tại Việt Nam thời gian qua cũng đã trở thành nạn nhân của chiêu "bơm xả" và "rút thảm" nói trên. Khi xu hướng game blockchain nở rộ, nhiều dự án mọc ra, sử dụng chiêu này dụ người dùng mua token, nhưng sau đó kẻ đứng sau dự án bán ra toàn bộ khiến giá token thậm chí về 0, khiến người chơi mất trắng.
Mạo danh để chiếm ví
Ví kỹ thuật số là một trong những phương thức lưu trữ tiền điện tử được nhiều người sử dụng. Việc bảo mật một số loại ví phổ biến thường thông qua mật khẩu và khóa cá nhân, có thể là cụm từ dài hàng chục chữ. Tuy nhiên, hacker có thể dụ người dùng nhập mã khóa vào ví giả mạo do chúng lập nên, từ đó truy cập được vào ví của người dùng và lấy hết tiền điện tử.
Tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp người dùng bị mất sạch tiền số qua hình thức này. Đầu tiên, kẻ xấu tạo ra các ứng dụng mạo danh các ví tiền điện tử như Metamask, Trust Wallet, hoặc website mạo danh sàn DEX như PancakeSwap, Uniswap... sau đó chạy quảng cáo trên Google. Không ít người đã nhầm lẫn nên tải về những ứng dụng giả mạo này rồi nhập mã bí mật, kết nối ví vào sàn giả, khiến kẻ gian có toàn quyền truy cập ví và lấy đi tiền điện tử bên trong. Do tính chất của blockchain, người dùng không thể biết tiền điện tử của mình đã được chuyển đến ai và phải chấp nhận mất hàng chục nghìn USD.
Lừa đảo đa cấp
Báo cáo của NASAA cho rằng dự án phát triển theo hướng đa cấp là một trong những nguy cơ lớn với người chơi tiền số.
Với hình thức này, một công ty có thể tạo ra một loại token hoặc coin mới, sau đó bán cho các nhà đầu tư để đối lấy những loại tiền như Bitcoin, USDT. Công ty này sau đó tuyên bố về những "phương pháp bí mật, độc quyền" có thể giúp nhà đầu tư sinh lời từ số tiền mua. Đồng thời, họ cũng nhận được hoa hồng khi thu hút được những nhà đầu tư mới.
Theo NASAA, hình thức này thường được quảng bá nhiều qua các kênh mạng xã hội như Reddit, YouTube, Facebook, Twitter và Instagram... với lời hứa về lợi nhuận có thể lên tới vài phần trăm mỗi ngày. Tuy nhiên, khi đã hút được một lượng người tham gia và thu được số tiền nhất định, dự án sẽ biến mất. Số tiền điện tử mà người chơi nắm giữ trở nên vô giá trị. BitConnect là một dự án như vậy và từng khiến hàng nghìn nhà đầu tư tại Việt Nam bị lừa.
Thống kê của CoinMarketCap cho thấy, thị trường tiền điện tử hiện có giá trị ở mức hơn 2.000 tỷ USD, trong đó Bitcoin, Ethereum và Tether là những đồng có giá trị cao, khó bị thao túng nhất. Phần còn lại của thị trường với hơn 8.000 loại tiền điện tử khác nhau là môi trường tiềm ẩn nhiều chiêu trò gian lận và lừa đảo.
Theo NextAdvisor, để có thể tồn tại trong thế giới tiền điện tử, người tham gia cần quan tâm đến một số vấn đề như: bảo mật ví kỹ thuật số, cảnh giác trước bất cứ thông tin nào liên quan đến tiền điện tử. Những dấu hiệu như website làm sơ sài, sai lỗi chính tả, những chiến dịch truyền thông rầm rộ trên mạng xã hội, lời hứa coin miễn phí hoặc tăng giá hàng chục lần... đều có thể là dấu hiệu để nhận biết các chiêu lừa tiền điện tử.
Lưu Quý