Từ hôm qua tới giờ, nhóm chat bạn đại học của tôi rôm rả hẳn lên sau thông tin tiền ảo Pi sắp lên sàn. Các bạn bàn nhau nên làm gì, gửi tiết kiệm hay mua nhà, mua xe.
Một bạn ròng rã ngày nào cũng điểm danh tia sét lấy Pi suốt 6 năm, được 13 nghìn đồng Pi khoe bài post một người rao mua mỗi đồng 86 nghìn đồng. "Sắp thành tỷ phú hết rồi".
Trong khi đó, hai người khác hào hứng bàn nhau nên mua ôtô nào, dưới 1 tỷ, Mercedes hay BMW? Tất nhiên sẽ không chấp nhận mức giá 86 nghìn đồng rồi.
Tôi nhẩm tính, 86 nghìn một đồng, bạn có hơn 13 nghìn đồng, tức là gần 1,2 tỷ đồng. Tính thời gian 6 năm, vậy mỗi ngày kiếm được gần 550 nghìn đồng. Vị chi mỗi tháng nhận lương 16 triệu đồng.
Đây là số tiền tích lũy của một nhân viên văn phòng không ăn không tiêu với mức lương trong 6 năm.
Tôi hỏi bạn bán được chưa, bạn bảo chờ lên giá. Tôi vào xem nick Facebook người hỏi mua, thì nick đó trống trơn, khả năng là nick ảo. Mà bài đăng trong nhóm tương tác haha rất nhiều.
Đồng đôla Mỹ trước đây được bảo chứng bởi vàng. Muốn in tiền thì ngân hàng trung ương phải dự trữ một lượng vàng tương đương để bảo chứng cho tiền mặt. Sau này mới bỏ bản vị vàng đi.
Tuy nhiên, số lượng vàng có hạn nên bị thiếu hụt nguồn cung. Hàng hóa ngày càng tăng giá theo sự phát triển của nền kinh tế cộng thêm nạn đầu cơ tích trữ vàng. Điều này làm cho phải nâng giá vàng lên để đáp ứng nhu cầu giao dịch. Thay thế bản vị vàng là đồng đôla pháp định...
Mọi thứ liên quan đến tiền bạc nó đều "rắc rối" như vậy.
Quay lại đồng tiền ảo Pi, với người miệt mài đào 6 năm nay, lộc từ trên trời rơi xuống, sau chừng ấy thời gian, là một điều đáng mừng. Nhưng vận dụng kiến thức tài chính cơ bản, tôi vẫn nghi ngờ "cái gì sẽ bảo chứng cho Pi"?
Nếu cứ mua đi bán lại, ai sẽ là người "hốt hụi chót"?
Minh K