Bảy người được hỏi là bạn tôi, họ trả lời như sau:
- Ba người là nhân viên văn phòng, có nhà chung cư: Dồn hết tiền mua đất.
- Hai người đang làm trưởng phòng tại một công ty, đã có nhà đất vùng ven: 1/3 kinh doanh nhỏ (quán cà phê, trà sữa nhượng quyền...), 2/3 còn lại mua đất.
- Hai người còn lại, một làm chủ xưởng cơ khí, một đang hùn vốn mở garage ôtô, công việc kinh doanh tốt, đã có nhà, vợ con đuề huề: Dồn hết mua đất.
Anh làm nhân viên văn phòng hay người từ quê lên Sài Gòn đi làm, lập nghiệp được vài năm sẽ mơ ước có một căn chung cư be bé, ở ngoại thành cũng được. Khi đã có chung cư rồi thì anh mơ tưởng đến nhà đất, trong hẻm cũng được.
Hẻm ôtô ở gần gần trung tâm chút thì quá tốt nhưng ở ngoại thành thì cũng chả sao. Anh đã có nhà đất, chung cư cho thuê thì lại muốn dằn túi thêm vài lô đất nền. Người vừa có nhà, có đất, có cơ sở kinh doanh, có của ăn của để vẫn muốn mua đất nếu có tiền nhàn rỗi. Họ ít nghĩ đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh vì sợ rủi ro. Họ xem đất đai như một tờ bảo hiểm tài sản, vừa bảo lưu được đồng tiền, vừa có tài sản để lại cho con cháu.
>> Khi giáo viên đi buôn đất, vì 'dạy hoài sao giàu nổi'
Cuộc khảo sát của tôi không có ý nghĩa về mặt xã hội học, bởi đây là một khảo sát cho vui, tuy nhiên chúng nói lên một điều: Là người Việt, ai cũng mơ tưởng và ám ảnh về đất đai, nhà cửa.
Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải cho hiện tượng ai cũng đi buôn đất. Từ sau Tết là cứ râm ran câu chuyện sốt đất xảy ra không cục bộ ở một địa phương mà rải rác khắp cả nước. Nơi nào có đồn thổi thông tin về các dự án sân bay... thì sốt đất diễn ra càng ác liệt, như trường hợp ở Hớn Quản (Bình Phước).
Người xưa đã dạy rồi: Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời. Người đẻ, đất không đẻ. Ai cũng có tâm lý luôn muốn phòng thủ của cải cho bản thân, gia đình. Tâm lý này tạo ra hành động mua đất nếu dư tiền.
"Người ta không có tiền còn vay mượn, tự dưng có trong tay 5 tỷ đồng mà không mua đất thì bị hâm à?"- Bạn tôi trả lời chắc nịch như vậy, dù số tiền 5 tỷ đồng chỉ là giả định mà thôi.
>> 'Một năm ròng rã đi làm, tiết kiệm không bằng giá đất tăng'
Đất sốt rồi cũng hạ, ai lướt sóng nếu kịp vào bờ thì hốt một mớ tiền, còn không thì bị cuốn ra khơi. Tuy nhiên di chứng những cơn sốt đất để lại thì rất nhiều. Người làm công ăn lương phải tích góp hàng chục năm trời với số tiền dặt dẹo mới đủ mua một căn hộ nho nhỏ, xa thành phố. Người có tí tiền thì rủ nhau góp vốn đi lướt sóng đất nền, căn hộ. Người làm chủ, một mặt duy trì kinh doanh, sản xuất. Mặt khác đem tiền đi mua đất như mua bảo hiểm chứ hiếm ai tái đầu tư, mở rộng sản xuất.
Như vậy là "một vòng trái đất", ai ai cũng hà hơi, tiếp sức thổi vào cái bong bóng bất động sản. Rồi họ lại đổ lỗi cho nhau rằng "ai cũng mua đất, gom nhà thì người trẻ mới vào đời còn cơ hội nào?". Hay than phiền rằng việc "người có tiền tranh mua đất, khiến sốt đất, tước đi cơ hội của nhiều người thu nhập thấp". Nhưng liệu những người thu nhập thấp có tiền, họ có chắc là mình sẽ không đi buôn đất chăng?
Kiến Quốc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.