Tối qua tôi thấy người bạn là giáo viên trên Facebook post một bài viết có chủ đề là các câu nói của nhiều doanh nhân về đầu tư bất động sản, kéo sau đó là hàng loạt tin rao bán đất nền tại các điểm nóng về bất động sản tại Đồng Nai.
Tôi thực sự bất ngờ vì một người có vẻ nhút nhát và tương đối yêu nghề như chị cũng bỏ việc chạy theo cơn lốc bất động sản đang hoành hành tại các khu vực phía nam cũng như khắp cả nước.
Trên Facebook của tôi luôn tràn ngập các bản tin rao bán đất nền của các cá nhân cũng như tin quảng cáo của các doanh nghiệp bất động sản đến nỗi tôi phải ngừng theo dõi rất nhiều bạn trong danh sách bạn bè để khỏi phải xem các tin như vậy.
Làn sóng bất động sản đã khởi nguồn từ khoảng chục năm trước, nhiều người bạn tôi bỏ việc bỏ kinh doanh sản xuất đi kinh doanh và cò đất. Nhiều người thành trong số họ thành công có tiền mua nhà lầu, xe hơi đi du lịch Mỹ, châu Âu. Nhiều bạn thậm chí còn làm video hướng dẫn người khác khởi nghiệp kinh doanh bất động sản. Đôi khi đi cà phê gặp các bạn họ vẫn trách tôi không nghe theo họ đi làm đất, cứ đi dạy hoài sao giàu nổi khiến mình cũng chạnh lòng.
>> 'Tiền lãi do đất đai đem lại quá lớn, chẳng ai thiết tha kinh doanh, sản xuất'
Dựa trên số lượng công ty và cá nhân kinh doanh, mô giới bất động sản chúng ta nhận thấy có một thực tế là nhu cầu nhà ở của người dân là có thực. Nhưng điều đáng quan tâm là không biết thực sự có bao nhiêu người có nhu cầu thực có thể mua được nhà được đất với mức giá cao ngất ngưởng so với mặt bằng xã hội như hiện nay.
Tỉ lệ tăng dân số của Việt Nam từ cuối những năm 80 thế kỉ trước đến nay là trên dưới một triệu người mỗi năm, nghĩa là sẽ có nhu cầu hàng trăm ngàn nơi cư ngụ mới cho các cặp đôi lập gia đình trên khắp cả nước. Tại các vùng kinh tế trọng điểm đặc biệt là khu vực đông nam bộ có tốc độ tăng dân số cơ học cao kéo theo nhu cầu rất cao về nhà ở tại các đô thị và xung quanh các khu công nghiệp.
Nhu cầu nhà ở sản tăng cao trở thành cơ hội làm giàu của rất nhiều người trong đó có những người làm ăn chân chính có cơ hội có tầm nhìn và tất nhiên cũng có những cá nhân, công ty lừa đảo và cả những cán bộ thái hóa, biến chất. Nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan tới đất đai của những cá nhân, doanh nghiệp và cán bộ nhiều cấp trong thời gian qua có thể phản ảnh tình trạng quy hoạch quản lý đất và quản lý xây dựng vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ và hợp lý.
Ai đã từng đi mua bán đất các khu vực Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh (TP HCM) mà tự làm giấy tờ chuyển nhượng chắc chắn phải trải qua hàng loạt thủ tục nhiêu khê, phức tạp nhưng chưa chắc đã thành công, và lý do của việc này là đơn giản chỉ được giải thích là do quy hoạch. Quy hoạch công viên, quy hoạch đường, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch diện tích tách thửa... vô vàn lý do nếu mà người dân khi nghe được cứ tưởng là thành phố được quy hoạch một cách bài bản, khoa học.
>> 'Người có trình độ không nên đi buôn đất để làm giàu'
Khu vực các quận Bình Tân, quận 12 hay Hóc Môn, Bình Chánh nhìn xuống từ cửa sổ máy bay không khác gì một mớ hỗn độn với hàng trăm ngàn căn nhà được xây dựng tự do dọc ngang. Dưới địa bàn thì khu vực này chằng chịt các con phó ngõ hẻm dọc ngang nhếch nhác bừa bộn, thậm chí có những con hẻm chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy, một điều rất nguy hiểm khi có sự cố, hỏa hoạn. Đây chính là minh chứng cho việc yếu kém trong quy hoạch và quản lý xây dựng.
Gây khó khăn trong việc hỗ trợ người dân chuyển đổi mục đích, sang nhượng quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng vô tình đẩy người dân có nhu cầu vô tay những tay cò đất bất nhân và các công ty bất động sản lừa đảo, dẫn đến tình trạng người dân tiền mất tật mang và xây dựng trái phép tràn lan tại các khu vực ngoại thành như những năm vừa qua.
Tôi tìm hiểu thì tình trạng này cũng đã lan xuống các tỉnh Đông Nam Bộ khác như Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu, tháng trước tôi đi cùng người bạn là giám đốc công ty bất động sản xuống Long An dự lễ mở dự án của anh ở Đức Hòa Thượng. Xung quanh dự án trên giấy của anh là những mảnh vườn, ruộng lúa mênh mông bỏ hoang không canh tác nhưng mỗi "nền" trên bản đồ dự án của anh có giá trên dưới một tỷ đồng.
Tôi hỏi anh nếu anh bán giá cao như vậy thì khách hàng sẽ mua bên ngoài chứ họ mua dự án anh làm gì. Anh nói là vì gia đình anh quen biết nên chỉ có đất dự án của anh mới được sang nhượng và cấp phép xây dựng còn đất ruộng xung quanh là đất nông nghiệp, không được xây dựng.
>> 'Đánh thuế cao, nhiều người sẽ bỏ mộng làm giàu từ nhà đất'
Đây là một ví dụ điển hình về lợi ích nhóm trong quản lý đất đai bởi vì rõ ràng khu vực xung quanh dự án của anh bạn tôi là các khu công nghiệp dân cư và công nhân rất đông, nhu cầu nhà ở rất cao và thực tế là người địa phương nơi đây không còn canh tác nông nghiệp trên đất của họ nữa. Và nếu muốn canh tác cũng không còn nước để tưới tiêu vì nước các kênh rạch đã chuyển đen do ô nhiễm.
Nếu Long An không đi trước trong quy hoạch thì chắc chắn một số huyện của tỉnh này sẽ cũng rơi vào tình trạng chuyển nhượng sang tay và xây dựng trái phép tràn lan như một số quận huyện của TP HCM hiện nay.
Đông Nam Bộ là khu vực trọng điểm kinh tế của cả nước, hàng triệu người lao động từ các tỉnh thành đổ về đây để lao động và sinh sống, các tỉnh thành này đạt được các thành tựu kinh tế cũng nhờ mồ hôi, sức lao động của những người lao động nhập cư. Thiết nghĩ, những người lãnh đạo cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho họ có nơi sinh sống an cư lạc nghiệp như điều mà Bình Dương đã và đang làm. Đừng để những khoản tích góp từ những đồng lương còm cõi của người lao động thành miếng mồi ngon cho những tay cò đất và những công ty lừa đảo.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.