Chính phủ vừa gửi báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện 6 dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP HCM. Ngoài tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội) đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, còn lại 5 dự án khác đều phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (dài 13 km), có tổng mức đầu tư ban đầu (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD); tăng 9.231 tỷ đồng (khoảng 315 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Nguyên nhân việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi phương án nhà ga từ 2 thành 3 tầng; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu; chi phí giải phóng mặt bằng; biến động về giá, nguyên vật liệu, tỷ giá...
Sau nhiều lần lùi thời gian khai thác, đến tháng 3/2021, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, lắp đặt thiết bị. Chính phủ đang chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn lại, khẩn trương hoàn thành kiểm tra, có ý kiến của Hội đồng kiểm tra nhà nước để bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, (dài 12,5 km), có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng 130 triệu Euro. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu Euro. Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 10.400 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư dự án từ ODA của 4 nhà tài trợ (Chính phủ Pháp; Cơ quan phát triển Pháp - AFD; Ngân hàng đầu tư châu Âu - EIB và Ngân hàng phát triển châu Á - ADB) và nguồn vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội.
Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu, thời gian hoàn thành dự án là năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh thời gian vận hành đoạn trên cao đến tháng 4/2021; vận hành toàn tuyến tháng 12/2022.
Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội), dài 11,5 km, tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, tổng mức đầu tư dự kiến được điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, có nhiều lý do khiến tổng mức đầu tư tăng, như: thay đổi về quy mô đầu tư, tỷ giá; biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công; tỷ lệ trượt giá...
Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM), có tổng mức đầu tư năm 2007 là 17.387 tỷ đồng (126.582 triệu Yên Nhật) từ vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của thành phố.
Năm 2011, UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 236.626 tỷ Yên Nhật (tương đương 47.325 tỷ đồng). Năm 2019, TP HCM tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án 43.757 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản 38.265 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố 5.491 tỷ đồng. Như vậy tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án này tăng khoảng 26.400 tỷ đồng.
Dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công, chưa hoàn thành xây lắp để đưa vào vận hành, khai thác.
Tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương (TP HCM) có tổng mức đầu tư năm 2010 là 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng). Tuy nhiên, năm 2019, TP HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư là 2.093 triệu USD (tương đương 47.890 tỷ đồng); tăng 21.700 tỷ đồng so với tổng mức ban đầu.
Dự án dùng vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Để thực hiện có hiệu quả các dự án đường sắt đô thị nêu trên, Chính phủ kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và các đơn vị liên quan quan tâm, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.