Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Bộ này về việc tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm; trong đó có các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM, dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận... Đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sau nhiều lần lùi tiến độ, đến nay vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng.
"Dự án Cát Linh - Hà Đông chỉ còn một số vướng mắc nhỏ, việc xử lý trong thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ cần sớm giải quyết đưa dự án vào khai thác vì người dân đang mong mỏi tuyến đường sắt này hoàn thành để sử dụng", ông nói.
Trong đợt thị sát dự án vào tháng 10/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ, khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đánh giá an toàn và nghiệm thu để được khai thác thương mại.
Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu để sớm khởi công các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; kịp thời giải trình với hội đồng thẩm định nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao để sớm báo cáo Quốc hội...
Đối với các dự án sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ông Dũng yêu cầu ngành giao thông tập trung xây dựng chính sách; không để tình trạng doanh nghiệp có tiền nhưng vướng luật nên không thể triển khai nâng cấp đường băng.
Trước đó, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét bố trí vốn ngân sách hoặc cho phép Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) sử dụng nguồn thu phí từ khai thác khu bay, hoặc tự cân đối để tiến hành sửa chữa nâng cấp khắc phục hư hỏng đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD).
Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD); thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại.