"Nếu một gia đình có hai con, một đứa dưới ba tuổi cần có người lớn giữ (ôm, kiểm soát) khi ngồi trên xe, đứa còn lại lớn hơn vài tuổi có thể tự ngồi. Giờ với quy định mới, gia đình đó phải chia ra đi trên hai xe máy (mỗi người lớn chở một đứa trẻ) hay sao? Nhưng vấn đề là đứa trẻ dưới ba tuổi kia nếu ngồi một mình, không có ai giữ sẽ rất nguy hiểm. Vậy luật mới có thật sự phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của nhiều gia đình?".
Đó là thắc mắc của độc giả Themanhss xung quanh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, bốn trường hợp người lái xe môtô hai bánh, xe gắn máy được chở thêm hai người mà không bị phạt là: chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 12 tuổi; người già yếu hoặc người khuyết tật.
Như vậy, Khoản 1 Điều 33 điều chỉnh độ tuổi của trẻ em mà tài xế được cho phép chở, từ 14 xuống 12. Tuy nhiên, bạn đọc NVH đặt dấu hỏi: "Việc hạ độ tuổi trẻ em được chở ba từ dưới 14 xuống dưới 12 theo tôi là chưa phù hợp với điều kiện xã hội. Lứa tuổi này là học sinh lớp 7, 8, 9. Nếu nhà nào có hai con gần tuổi này thì sẽ phải đưa rước đi học ra sao? Trong khi trường hợp này chiếm một phần rất lớn trong xã hội chứ có ít đâu".
>> 'Bỏ đếm giây sẽ mang lại hiệu quả tích cực'
Cùng chung nỗi trăn trở khi quy định mới có thể gây khó cho nhiều gia đình trong việc đưa đón con cái, độc giả Nguyenkhanhthaibinh chia sẻ: "Trẻ dưới 16 tuổi chưa được phép lái xe, vậy hai vợ chồng với đứa con sẽ phải đi hai xe máy sao? Đâu phải nhà ai cũng có hai cái xe máy để đi lại. Tôi thấy hơi lấn cấn chỗ này, nếu đã cấm chở trẻ em trên 12 tuổi thì cũng nên nghiêm cứu cách di chuyển cho các cháu từ 12-16 tuổi sao cho hợp lý".
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, việc chở quá số người quy định trên xe gắn máy sẽ có hai trường hợp xử phạt như sau: chở hai người có thể bị xử phạt 300.000-400.000 đồng; chở từ 3 người trở lên có thể bị xử phạt 400.000-600.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Trong khi đó, đặt giả thiết chở ba bằng xe máy với người bị chấn thương, bạn đọc Ghet tien đề xuất bổ sung quy định: "Chở người bệnh đi cấp cứu được phép kẹp ba, là đúng vì phải có người ngồi sau đỡ, giữ để đảm bảo an toàn. Nhưng chở người bị thương đã được cơ sở y tế cấp cứu, băng bó, thực hiện tiểu phẫu hoặc phẫu thuật về nhà thì sao? Họ cũng có thể không ngồi vững được, gia đình có thể không đủ tiền gọi taxi nên buộc phải đi xe máy.
Do đó, theo tôi cần bổ sung thêm trường hợp chở người được băng bó, phẫu thuật từ bệnh viện về nhà, cũng được phép chở ba bằng xe máy. Còn đối với trường hợp người già yếu thì cũng phải làm rõ hai tiêu chí 'già' và 'yếu' là thế nào để tránh tranh cãi. Già là bao nhiêu tuổi, có cơ sở nào để nhận ra người già ấy đang yếu? Theo tôi, nên quy định ngắn gọn là 'người khuyết tật hoặc người từ 70 tuổi trở lên'".
- Tôi không sợ 'nồng độ cồn bằng 0' sau khi uống 5 lon bia buổi trưa
- 'Nồng độ cồn bằng 0 vì một lon bia có thể tước đi mạng người'
- 'Phạt 200.000 đồng người đi xe đạp uống một lon bia đủ để cảnh cáo'
- 'Chạy ngược chiều trên cao tốc bị phạt nhẹ hơn lỗi nồng độ cồn'
- 'Giảm tiền phạt để tránh hàm oan người uống một ly rượu từ hôm trước'
- Hai ly rượu báo hại tôi bị phạt nồng độ cồn ngày bố nhập viện cấp cứu