Mẹ tôi đã đi xa khi 93 tuổi. Đã hơn 5 năm rồi, nhưng mỗi khi đến mùa Vu Lan hoặc mỗi lần nhìn thấy bất cứ di vật nào của mẹ là tôi lại bùi ngùi, thương nhớ khôn nguôi. Nhiều khi, tôi trách cứ bản thân vì chưa làm tốt nhất bổn phận của một người con và ước gì thời gian quay trở lại để mình có thể làm tốt hơn.
Không hiểu mẹ làm cách nào nuôi nổi tám anh chị em tôi khôn lớn. Hình ảnh người mẹ còng lưng gánh củi từ rừng cách 20 km về bán lấy tiền mua gạo, rồi những bữa ăn chỉ toàn rau muống trộn cháo loãng nhưng anh em chúng tôi vẫn vô tư húp hết cả phần của mẹ... cứ in đậm trong trí óc tôi.
Khi bé thì vậy, nhưng cứ lớn hơn một chút là chúng tôi lại rời xa bố mẹ. Hết nghĩa vụ quân sự lại đến chăm lo xây dựng gia đình riêng của mình, nên chúng tôi không có điều kiện giúp đỡ mẹ nhiều. Khi cuộc sống riêng của chúng tôi tạm ổn định thì bố mẹ đã già yếu, bệnh tật đầy mình. Đã thế, khi tôi về đưa bố mẹ vào miền Nam sống cùng để có điều kiện chữa bệnh và an hưởng tuổi già thì họ vẫn ái ngại, sợ làm phiền con cháu.
Dù luôn bị bệnh tật hành hạ và tháng nào cũng đi điều trị định kỳ tại bệnh viện, bản thân lại là nông dân thực thụ, nhưng khi sống cùng con cháu, bố mẹ đã vì chúng tôi mà hy sinh cái tôi của mình, để thay đổi, thích nghi, hòa nhập với con cháu. Nếu không có tấm lòng bao la của người bố, người mẹ thì sao làm được?
Trước khi mất, mẹ tôi vẫn nói: "15 năm sống cùng gia đình các con là quãng thời gian hạnh phúc nhất của mẹ". Có lẽ cũng chính vì vậy mà bố tôi bây giờ đã tròn 100 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, rạng rỡ, vô tư.
Nhiều người nói, già nhờ con trai, nhưng gia đình tôi mỗi khi bố mẹ ốm đau, người túc trực, chăm sóc, động viên bên cạnh lại chủ yếu là mấy chị em gái. Còn người con trai như tôi lại chỉ biết lo chút tài chính, chạy vòng ngoài. Trước mặt bố mẹ, chị em tôi vẫn nói vui rằng: "Bố mẹ cứ nói trông cây vào con trai chứ nếu không có mấy cô con gái thì sao được thế này, công đầu vẫn là con gái đấy nhé".
>> Mâm cơm cúng báo hiếu mùa Vu Lan
Thời đại bây giờ đã đổi khác, mỗi gia đình chỉ vài ba đứa con, bố mẹ cũng đỡ vất vả. Khi con cái còn trẻ thì bố mẹ cũng còn khỏe, còn sức lao động, tự lo được cho mình (trừ một số ít có hoàn cảnh đặc biệt) nên thứ họ cần ở các con là về mặt tinh thần, tình cảm, nhiều hơn là vật chất.
Chúng ta không nên câu nệ sống gần hay sống xa bố mẹ mới là báo hiếu. Cũng đừng đong đếm vài ba triệu đồng cấp dưỡng hay quà cáp biếu xén mà ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Con cái ở gần thì thỉnh thoảng ghé qua thăm nom cha mẹ, ở xa thì gọi điện thoại, gọi video call cũng được, miễn là trong lòng mình có ba mẹ.
Vợ chồng tôi hiện tại cũng trên dưới 70 tuổi, vẫn ở riêng để chăm bố chứ chưa nhờ tới sự hỗ trợ vật chất từ các con. Nhưng các con tôi vẫn là chỗ dựa vững chắc nhất về mặt tinh thần. Mỗi khi nghĩ tới các con là tôi thấy an nhiên, hạnh phúc.
Chúng ta nhiều khi còn trẻ, còn sức khỏe và phải bươn chải kiếm sống lo cho gia đình mà thiếu quan tâm đến bố mẹ. Nhưng lúc ấy, ta vẫn cảm thấy bình thường vì bố mẹ vẫn còn ở cạnh ta, vẫn thông cảm chứ không trách cứ con cái. Điều may mắn nhất là khi ấy ta còn cơ hội sửa sai. Nhưng khi bố mẹ đã mất đi rồi, cơ hội đó cũng không còn nữa. Lúc đó, sẽ chỉ còn nỗi ân hận, tiếc nuối sẽ theo ta đến cuối cuộc đời. Vậy nên, hãy luôn quan tâm, chăm sóc bố mẹ tốt nhất có thể khi họ vẫn còn hiện diện ở dương thế.
- Gần 40 năm bỏ quên ba mẹ trong những chuyến du lịch tuổi trẻ
- Kết cục sau 5 năm về quê làm tròn chữ hiếu
- Vào viện dưỡng lão để cởi trói chữ hiếu
- Nhà mới 250 m2 làm quà Tết tặng mẹ
- Các con tự thanh toán viện phí 100 triệu đồng dù cha mẹ không yêu cầu
- Chữ 'hiếu' ngăn tôi đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão