Một số bạn bè của tôi nói rằng cuối tuần này sẽ về quê để ăn Rằm cùng ông bà, bố mẹ nhân dịp lễ Vu Lan. Có người nói rằng: "Cả năm thờ cúng cũng không bằng ngày Rằm tháng 7. Không cúng Rằm thì coi như vứt. Rằm là phải làm mâm cao cỗ đầy mới thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ".
Tôi thì nghĩ khác, báo hiếu có rất nhiều cách, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người. Không phải cứ biếu nhiều quà, chu cấp hàng tháng cho cha mẹ xây nhà to mới là báo hiếu. Không có công thức nào cho việc báo hiếu mẹ cha. Sự hiếu kính cũng không thể đong đếm bằng vật chất hay sự chăm nom. Tôi nghĩ rằng, mọi người nên đối xử tốt với cha mẹ hàng ngày, thể hiện sự hiếu kính với cha mẹ hàng ngày, chứ đừng chờ đến Vu Lan mới báo hiếu.
Khi cha mẹ còn sống thì hãy chăm sóc cho tử tế, đừng chờ đến khi họ nhắm mắt xuôi tay mới làm cơm cúng thật to để báo hiếu. Vì khi đó, thứ vật chất kia không có ý nghĩa gì nữa.
Chữ hiếu là một nét đẹp trong truyền thống đạo đức của người Việt ta. Từ xưa tới nay, dưới mỗi nếp nhà, chữ hiếu luôn được đặt lên vị trí hàng đầu trong mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ. Cách mà tôi báo hiếu cha mẹ rất đơn giản là chủ nhật không phải đi làm thì sang nhà thăm cha mẹ, cùng hai người ăn một bữa cơm đầm ấm. Tôi luôn cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ, nuôi dạy các con tôi thật tốt để cha mẹ không phải lo lắng, đau khổ.
Tôi nghĩ rằng báo hiếu không phải là làm những việc đao to búa lớn, chúng ta cứ làm những việc trong khả năng của mình như thể hiện tình yêu thương cha mẹ bằng những việc làm cụ thể và chăm sóc cha mẹ thật ân cần, chu đáo. Khi cha mẹ còn tại thế thì báo hiếu cha mẹ bằng việc phụng dưỡng đầy đủ, không để họ thiếu thốn. Không bao giờ phải để cha mẹ chìa tay xin tiền mình, không để họ phải lo về đồng tiền, bát gạo, miếng cơm, manh áo... đó chính là hiếu nghĩa.
Khi cha mẹ đau yếu, tôi tự nhủ mình phải cố gắng, tự tay chăm sóc cho bậc sinh thành. Tôi luôn có mặt khi cha mẹ cần, luôn lắng nghe và hỏi ý kiến họ với thái độ tôn kính, ôn hòa, và yêu thương. Thể hiện tình yêu, lòng thương với cha mẹ bằng lời nói và hành động là hành động thiết thực nhất.
Thực ra, cha mẹ nào cũng yêu con hết lòng, đâu cần con báo đáp, mà đơn giản chỉ muốn được gần con cháu, được nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành và tự lo được cho bản thân. Với người già, có những thứ còn quan trọng hơn tiền, đó là tình cảm gia đình. Có con cái kề bên để chia sẻ, tâm sự, thì dù có khó khăn một chút vẫn ấm lòng. Còn hơn là ăn sung mặc sướng trong một ngôi nhà to rộng, nhưng lạnh lẽo, trống trải.
Vì thế, dù bận rộn đến đâu, tôi cũng cố gắng về nhà, ăn một bữa cơm với cha mẹ mỗi tuần. Đó là sợi dây gắn bó tình cảm giữa các thế hệ, chỉ khi xa nhà, bạn mới biết nó quý giá nhường nào. Sự có mặt của đứa con chính là niềm vui mà cha mẹ chờ mong nhất. Món quà có ý nghĩa nhất cho cha mẹ là xuất phát từ tình yêu thương chứ không thể hiện ở giá trị vật chất. Chẳng có món quà đắt tiền nào có ý nghĩa bằng việc nhìn con cái mạnh khỏe, anh chị em trong gia đình hòa thuận, con cháu sum vầy đầm ấm bên nhau.
Không có công thức chung, nhưng cũng đừng để đến ngày chúng ta không còn cha mẹ mới nghĩ đến việc báo hiếu.
- Gần 40 năm bỏ quên ba mẹ trong những chuyến du lịch tuổi trẻ
- Kết cục sau 5 năm về quê làm tròn chữ hiếu
- Vào viện dưỡng lão để cởi trói chữ hiếu
- Tôi dành tiền dưỡng già để con cái không thành nạn nhân của 'bánh mì kẹp'
- Chữ 'hiếu' ngăn tôi đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão
- Kế hoạch vào viện dưỡng lão của bố khiến tôi dằn vặt cả đời