Cuộc thi "Gửi người phụ nữ tôi trân quý" do VnExpress phối hợp cùng PNJ tổ chức vừa kết thúc đợt một (diễn ra từ ngày 3/10 đến 14/10). Ban tổ chức nhận hàng trăm bài viết do độc giả khắp cả nước gửi về tham dự.
Sau khi chấm điểm dựa trên các tiêu chí: nội dung bài dự thi viết về người thật, việc thật; bài viết thể hiện khí chất rạng ngời của người phụ nữ Việt; thể hiện tình cảm yêu thương, trân trọng của người viết dành cho người phụ nữ được nhắc đến trong bài viết; chia sẻ những thông tin thú vị, truyền cảm hứng cho người đọc...
Các bài viết gây ấn tượng với những kỷ niệm khó quên, thể hiện tình cảm yêu thương với người phụ nữ trong cuộc đời họ. Đó có thể là mẹ, là chị, là vợ, cũng có người tự bày tỏ cảm xúc yêu thương với chính bản thân mình. Kỷ niệm về những món quà trang sức tuy giá trị không cao nhưng chan chứa tình cảm, tấm lòng của người tặng và sự biết ơn, trân trọng của người nhận.
Nổi bật trong số bài viết gửi về là câu chuyện về người thím đã cưu mang nhiều lớp con cháu của Nguyễn Hữu Huỳnh Anh. Qua những chia sẻ trong bài viết "Thím - người phụ nữ tuyệt vời của tôi", thím là người cho tác giả chốn đi về trong những năm tháng học đại học xa nhà. Chăm lo cho cô và các anh chị em khác từ miếng ăn đến giấc ngủ, thím không một lời thở than hay rầy la.

Thím là người phụ nữ tinh tế, luôn quan tâm chăm sóc Huỳnh Anh và các cháu hết lòng, không quản khó nhọc.
Là lao động chính trong nhà, thím đối nhân xử thế rất chuẩn mực: kính chồng, chiều con. Thím không mua sắm cho bản thân, nhưng với chồng con lại hào phóng, không để thiếu thứ gì. Huỳnh Anh cho biết thím thường không ăn cơm cùng cả nhà vì sợ có người đi học, đi làm về muộn. Đợi con cháu trong nhà ăn cơm hết lượt, thím mới dám ăn. Không riêng gì tác giả mà những người con, người cháu được thím cưu mang đều thấy biết ơn người phụ nữ tảo tần này.
Tác giả Lê Hùng Phương bày tỏ tình yêu với người vợ chịu thương, chịu khó qua bài viết "Người phụ nữ thay đổi cuộc đời tôi". Là người mắc không ít sai lầm trong cuộc sống, tác giả từng bỏ bê chuyện học hành, cho đến khi anh gặp được vợ mình. Hùng Phương ví vợ "như nàng Châu Long không quản khó khăn cực nhọc, nuôi Lưu Bình học hành thành tài ngày xưa" vì đã luôn bên cạnh, động viên anh trong suốt thời gian khó nhọc ấy.

Tác giả Hùng Phương luôn khâm phục sự chịu đựng và những gì vợ đã làm cho mình.
13 năm bên nhau của Hùng Phương và vợ là 8 năm hôn nhân trắc trở vì những áp lực, khó khăn trong cuộc sống. Anh vẫn luôn biết ơn vợ vì nếu không có sự đảm đang, tảo tần của cô, anh đã không có ngày hôm nay. Cuộc sống thỉnh thoảng cũng bên đầy bên vơi, nhưng Hùng Phương và vợ vẫn vun vén cho tổ ấm mỗi ngày. Bài viết như lời cảm ơn, thay Hùng Phương bày tỏ với người vợ cùng anh vượt qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
Với tác giả Thái Hữu Danh, bài viết "Người chị nghị lực" như thay anh thể hiện sự ngưỡng mộ, thán phục trước nghị lực và sự mạnh mẽ của chị Cẩm Tú. Lúc nhỏ, chị từng bị bố ruột đuổi ra khỏi nhà vì mang hình hài con trai mà lại thích mặc đầm. Bất cứ nơi nào chị có mặt cũng bị người khác trêu chọc. Ước mơ học cao không thuận lợi, chị đành bán vé số dạo mưu sinh, chỉ mong một ngày nào đó có đủ kinh phí để chuyển giới và sống thật với chính mình.

Trong lòng tác giả Thái Hữu Danh, chị Cẩm Tú và những người chuyển giới khác luôn là những phụ nữ có trái tim mạnh mẽ nhất.
"Hơn cả việc nhận quà vào ngày 20/10, người chuyển giới như chị Cẩm Tú còn hy vọng được xã hội công nhận và đối xử như bao người phụ nữ khác. Họ xứng đáng được gọi là phụ nữ, những người có trái tim mạnh mẽ", tác giả trải lòng.
Trong bài viết "Người phụ nữ yêu đời, thiện lương", tác giả Nguyễn Bích Thủy thể hiện tình yêu với mẹ chồng vì những điều lớn lao bà đã làm cho chị. Bỏ công việc ở thành phố, Bích Thủy dọn về quê sống cùng gia đình chồng. Lúc còn trẻ, chị từng dự định sau khi kết hôn sẽ ra ở riêng để tự do sinh hoạt, tránh cảnh mẹ chồng nàng dâu.

Mẹ chồng là người giúp tác giả Bích Thủy làm các công việc nấu nướng mỗi ngày trong nhà mà không chút than vãn.
Mẹ chồng Bích Thủy từng chịu nhiều khổ cực trong quá khứ. Nhiều người nghĩ khi con trai lấy vợ, bà sẽ đì con dâu cho biết mùi. Nhưng không, mẹ chồng thương Bích Thủy như con đẻ, giành làm việc nhà để con nghỉ ngơi. Cuộc thi là dịp để chị bày tỏ tấm lòng với mẹ chồng, thể hiện sự biết ơn vì những gì bà đã dành cho chị trong suốt nhiều năm qua.
Đối với Lê Xuân Hải, tác giả bài viết "Mẹ nhọc nhằn sớm hôm vì con cháu", mẹ lại là nguồn động lực khích lệ anh vượt khó khăn trong cuộc sống. Mẹ đã 73 tuổi. Thấy mẹ mắt mờ, tóc bạc, anh nhận ra thời gian được sống cạnh mẹ không còn nhiều. Thông qua cuộc thi, Xuân Hải gửi lời cảm ơn đến mẹ già "vì đã luôn là cột buồm vững chãi, giúp các con vượt qua mọi nắng mưa, sóng lớn cuộc đời".

Mẹ của tác giả Lê Xuân Hải quây quần bên con cháu.
Ban tổ chức chọn ra 5 bài viết xuất sắc, với câu chuyện ý nghĩa, xúc động và chân thật nhất để dành tặng 5 phần quà, mỗi phần quà là bộ trang sức PNJ trị giá 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, các tác phẩm còn lại đúng tiêu chí cuộc thi đều nhận quà tặng là một voucher giảm giá 10% khi mua trang sức PNJ. Ngoài ra, tất cả tác giả dự thi và những người phụ nữ đều có thể tham gia sự kiện đặc biệt của PNJ diễn ra vào hai ngày 17,18/10 (lúc 10h-22h) tại Vivo City để được làm đẹp và tỏa sáng cùng với nhiều phần quà hấp dẫn khác.
Dưới đây là 5 bài viết đạt giải đợt một cuộc thi:
STT | Tên bài dự thi | Tên tác giả |
1 | Thím - người phụ nữ tuyệt vời của tôi | Nguyễn Hữu Huỳnh Anh |
2 | Người phụ nữ thay đổi cuộc đời tôi | Lê Hùng Phương |
3 | Người chị nghị lực | Thái Hữu Danh |
4 | Người phụ nữ yêu đời, thiện lương | Nguyễn Bích Thủy |
5 | Mẹ nhọc nhằn sớm hôm vì con cháu | Lê Xuân Hải |
Cuộc thi "Gửi người phụ nữ tôi trân quý" tiếp tục diễn ra đến hết ngày 30/10. Bài dự thi thể hiện dưới dạng text, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất một hình ảnh minh họa, và tiêu đề phản ánh nội dung chính của bài dự thi. Hình ảnh minh họa là file ảnh định dạng JPEG hoặc JPG. Ảnh có chiều ngang dưới 1.000 pixel. Dung lượng mỗi bức lớn hơn 0,3 MB nhưng không vượt quá 5 MB, nội dung ảnh là nhân vật tác giả đề cập trong bài viết.
Gửi bài dự thi tại đây.
Bảo Trân