Chiều 13/12, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM công bố các hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Chương trình có sự góp mặt của NSƯT Thanh Thúy - phó giám đốc Sở, ông Phan Quốc Kiệt - phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, soạn giả Hoàng Song Việt...
Phối cảnh của sân khấu ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. |
Các hoạt động kỷ niệm diễn ra từ ngày 17/12/2018 đến 19/1/2019. Tâm điểm là hai đêm diễn ngày 13 và 14/1/2019 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Theo đạo diễn Hoa Hạ - người dàn dựng chương trình, khoảng 400 nghệ sĩ cải lương và nhạc công sẽ biểu diễn ở sự kiện. 20 nghệ sĩ tiền bối như NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, Trường Sơn, Hồng Nga... sẽ diễn lớp đầu, giới thiệu chặng đường đầu tiên trong 100 năm phát triển cổ nhạc. 80 Nghệ sĩ Ưu tú trẻ, 100 diễn viên múa... sẽ diễn các tiết mục kế tiếp. Ca khúc chủ đề của chương trình do Đức Trí sáng tác và phối khí. Các đêm diễn sẽ sử dụng dàn nhạc "sống", thay vì dùng âm thanh play-back như nhiều chương trình truyền hình trực tiếp. "Ngay cả với các nghệ sĩ lão thành, chúng tôi cũng khuyến khích hát live để thể hiện sự tôn vinh ca cổ", đạo diễn cho biết.
Đêm diễn có hai điểm nhấn. Vở Lấp sông Gianh mở màn chương trình, nói lên khát vọng độc lập của dân tộc, gợi nhớ tác phẩm kinh điển từng trình diễn trên sân khấu Kim Thoa hơn 60 năm trước. Tiết mục thứ hai tri ân cố nghệ sĩ Thanh Nga nhân dịp 40 năm bà qua đời sau suất diễn đầu của Thái hậu Dương Vân Nga. Hoa Hạ kể, thời điểm Thanh Nga ngã xuống vì đỡ đạn cho con, nhiều đoàn cải lương dựng lại vở cải lương này để tưởng niệm bà. Tiết mục sẽ tái hiện không khí của các sân khấu Sài Gòn giai đoạn đó.
Chương trình có phần tôn vinh các gia tộc cải lương tiêu biểu ở Sài Gòn và các đoàn "đại bang" xưa. Theo soạn giả Hoàng Song Việt, tiến trình phát triển cải lương 100 năm không thể không kể đến những ông, bà bầu bỏ tâm huyết, tiền bạc xây dựng các gánh hát. Nhiều đoàn ca cổ không còn trụ được đến nay, nhưng cống hiến của họ xứng đáng được ghi nhận. Tám đoàn cải lương xã hội hóa của TP HCM cũng góp mặt trong chương trình, diễn các trích đoạn Rạng ngọc Côn Sơn (đoàn NSƯT Kim Tử Long), Cờ nghĩa Tây Sơn (NSƯT Vũ Luân), Bão táp nguyên phong (đoàn Minh Tơ)...
Ngoài hai đêm diễn chính, nhiều hoạt động triển lãm ảnh, hiện vật, quay phim tài liệu... sẽ được tổ chức. Chương trình triển lãm tranh chân dung hơn 100 nghệ sĩ do họa sĩ Trương Văn Ý vẽ, diễn ra từ ngày 17 đến 19/12 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Nhiều tiết mục đờn ca tài tử, ca ra bộ (tiền thân của cải lương) và các trích đoạn cải lương tiêu biểu sẽ được trình diễn. Nhà hát trưng bày một số hiện vật xưa như đèn, thùng hóa trang, đạo cụ cung kiếm, giáo gươm, mũ mão... Một triển lãm tương tự diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 10 đến 14/1/2019.
Một bộ phim tài liệu nhân 100 năm cải lương Nam bộ sẽ được bấm máy, do Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Đài truyền hình TP HCM phối hợp thực hiện. Ngày 20/12, đêm diễn cải lương Giấc mộng đêm xuân (tác giả Nhị Kiều, Phi Hùng, NSND Ngọc Giàu đạo diễn) sẽ được tổ chức tại Nhà hát TP HCM. Ngày 19/1/2019, chuỗi sự kiện được khép lại bằng cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các văn nghệ sĩ tại Hội trường UBND TP HCM.
Trước thắc mắc cho rằng các chương trình kỷ niệm 100 năm cải lương diễn ra có phần trễ nải trong năm nay, bà Thanh Thúy cho biết, đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động đánh dấu 300 năm hình thành Sài Gòn - Gia Định. Các đêm diễn được tổ chức trong không khí đón Tết Nguyên đán 2019 để thêm tính ấm cúng, gần gũi. "Các hoạt động tri ân cải lương được đầu tư bài bản để từ đó tạo động lực cho văn nghệ sĩ và công chúng. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển cải lương là trách nhiệm của nhà quản lý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng nội dung và kiến nghị với cơ quan thẩm quyền, chẳng hạn như hỗ trợ cho các đơn vị cải lương xã hội hóa", NSƯT Thanh Thúy chia sẻ.
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ. Nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng từ ngày 16/11/1918, khi tuồng Gia Long tẩu quốc được công diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ (theo hình thức cải lương) này "bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách... nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ" (trích Hồi ký 50 năm mê hát).
NSND Bạch Tuyết cho biết giới sân khấu thường lấy mốc năm 1918, năm ra đời vở Kim Vân Kiều - tác phẩm cải lương đầu tiên ở miền Nam, diễn ở rạp thầy Năm Tú tại Mỹ Tho - là năm hình thành nên bộ môn cải lương.
Tại miền Nam, thập niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của cải lương, lấn át cả tân nhạc. Thời đó, các sân khấu cải lương được đông khán giả đến xem hàng ngày, nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống sung túc. Trải qua nhiều thăng trầm, loại hình nghệ thuật này hiện phát triển co cụm, tuy vậy, luôn có sức sống lớn trong lòng khán giả mộ điệu.
Mai Nhật