Đầu những năm 1990, sự bùng nổ của làn sóng băng video, phim nhựa và truyền hình khiến cải lương mất thế thượng phong. Sân khấu ca cổ không còn nhiều đất sống, các chủ đoàn hát tư nhân rút vốn đầu tư. Giữa thập niên 1990, sàn diễn dần thoái trào, khán giả đến rạp ít hơn vì chuộng xem băng video. Cải lương nguyên tuồng cũng bị "bức tử", nhiều rạp chỉ lấy trích đoạn vở cũ hay nhất ra biểu diễn. Sân khấu rơi vào cảnh đìu hiu vì không còn cảnh khán giả rần rần xếp hàng đi xem cải lương. Đến đầu thế kỷ 21, nhiều loại hình giải trí nghe nhìn, game show, Internet phát triển mạnh mẽ khiến sân khấu truyền thống khốn đốn. NSND Lệ Thủy chia sẻ, vào thời hoàng kim, một suất nếu bán chỉ vài trăm vé nghệ sĩ đã chê. "Giờ chỉ mong mỗi suất có vài trăm khán giả đến xem là mừng lắm rồi", bà kể.
NSND - đạo diễn Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết cho rằng cải lương hiện thiếu toàn diện những yếu tố từng làm nên thời vàng son như: soạn giả giỏi, thế hệ nghệ sĩ kế thừa xứng đáng, những ông bầu lành nghề và sàn diễn ổn định.
Những soạn giả có tiếng hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay như Hoàng Song Việt, Lê Duy Hạnh, Triệu Quang Vinh, Triệu Trung Kiên... Trong Liên hoan cải lương toàn quốc tại Long An hồi tháng 9, NSƯT Lê Chức - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của liên hoan - nhận định các tác phẩm dự thi đa số đều phục dựng từ kịch bản cũ hoặc vay mượn từ kịch nói. Hàng loạt vở tuồng về đề tài lịch sử, dã sử, hoặc mang chủ đề gia đình, xã hội vốn ngày trước rất ăn khách, là "gà đẻ trứng vàng" cho nhiều sân khấu cũ, nay cứ tái diễn nhiều lần khiến cải lương bị bào mòn về nội dung, độ sáng tạo.
Sự thiếu hụt đội ngũ kế thừa thế hệ nghệ sĩ vàng cũng khiến bộ môn nghệ thuật này không còn gây ấn tượng với lớp khán giả cũ lẫn khán giả trẻ. Trên VnExpress, khán giả có nickname cangvt46 chia sẻ: "Cải lương xưa đi vào lòng người nhờ hai yếu tố: giọng ca hay và soạn giả giỏi. Những yếu tố mà cải lương ngày nay không có". Còn khán giả Anh Tuấn Nguyễn Lê bày tỏ: "Nghệ sĩ bây giờ ca vẫn hay nhưng không có hồn".
Ngày trước, hàng loạt nghệ sĩ cải lương, mỗi người là một vẻ riêng biệt, độc đáo về thanh lẫn sắc, in đậm dấu ấn trong lòng khán giả mộ điệu bằng tài năng ca diễn lẫn thần thái, phong cách như: Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga, Thanh Sang, Minh Cảnh, Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng, Mỹ Châu, Vũ Linh, Tài Linh, Bạch Tuyết... Thế hệ này được lớp soạn giả lừng danh một thời như: Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang, Thu An, Yên Lang... "chắp cánh" bằng những vở tuồng đặc sắc, chạm sâu vào tâm hồn, cảm xúc của nhiều thế hệ khán giả như: Tuyệt tình ca, Nửa đời hương phấn, Cô gái đồ long, Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, Lan và Điệp, Đường gươm Nguyên Bá...
Khi thời của lớp trước đã lùi xa, lớp trẻ - vốn được bổ sung từ nhiều cuộc thi cải lương như Triển vọng Trần Hữu Trang, Tài năng trẻ cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ... - lại khó bám trụ với nghề và khẳng định chỗ đứng. Bởi họ thiếu những yếu tố cần và đủ để tạo bản sắc riêng: thiếu sàn diễn, thiếu tác phẩm hay, ít cơ hội để rèn chuyên môn và thiếu một lớp khán giả trung thành - những người vốn không đủ kiên nhẫn trước một loại hình trình diễn thiếu sự đầu tư về nhiều mặt.
Câu chuyện về đào tạo là chủ đề thường trực trong các buổi hội thảo chuyên đề vực dậy cải lương. Các lò đào tạo diễn viên cải lương một thời như Nhà hát Trần Hữu Trang, Đồng Ấu Bạch Long - nơi khai sinh ra các tên tuổi trẻ như Quế Trân, Tâm Tâm, Vũ Luân, Tú Sương - không còn hoạt động như trước. Đầu vào ở các trường, khoa chuyên đào tạo nghệ sĩ cải lương ở TP HCM cũng ít ỏi, thiếu các gương mặt tiềm năng.
Ngoài ra, theo NSND Huỳnh Nga - đạo diễn vở Đời cô Lựu, việc cải lương xuống dốc còn nằm ở khâu chọn lựa tác phẩm của các đoàn. Ông cho rằng những năm gần đây, các đoàn cải lương thường chọn bừa kịch bản, tập hợp diễn viên làm vở mà không xác định thời điểm, xu hướng và chiến lược lâu dài.
Điều kiện thiếu thốn, hạn chế của các điểm diễn hiện tại cũng là trở ngại lớn. NSƯT Hoa Hạ cho biết bà từng đi nhiều nước, nhận thấy sàn diễn ở nhiều nơi đã phát triển "đến nóc nhà hát", sân khấu xoay chuyển, biến mất trong tích tắc trước sự hoa mắt, choáng ngợp của khán giả. Đạo diễn nhận định mặt bằng chung sân khấu cải lương hiện vẫn giữ mức như thập niên 1980, đạo cụ vẫn sản xuất thủ công, cơ sở còn thiếu an toàn... Chẳng hạn sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1) - tiền thân là rạp Hưng Đạo, nơi từng được xem là "thánh địa" của các đoàn cải lương Sài Gòn xưa. Sau khi được xây mới với kinh phí 132 tỷ đồng, sân khấu nơi đây lại không sáng đèn thường xuyên vì hạn chế nhiều mặt về yếu tố kỹ thuật. Sinh thời, cố nghệ sĩ Út Bạch Lan buồn bã khi thấy rạp Hưng Đạo sửa mới không đáp ứng được nguyện vọng của giới nghệ sĩ, khán giả mộ điệu trong việc vực dậy cổ nhạc. Theo nhiều đạo diễn, hiện chỉ có sân khấu Bến Thành (quận 1) mới đáp ứng hầu hết điều kiện cho các tác phẩm cải lương, song giá thuê còn khá đắt.
Trong nỗ lực khôi phục cải lương, nhiều đoàn hát tư nhân đề ra nhiều cách thức thu hút khán giả. Sân khấu Lê Hoàng ở Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh từng dàn dựng lại các vở cải lương kinh điển của tuồng cổ như Chung Vô Diệm, Ngọc Kỳ Lân, Xử bá đao Từ Hải Thọ..., thu hút nhiều tên tuổi hợp tác như NSND Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Bạch Mai, Trường Sơn, Kim Tử Long... Họ kêu gọi các nghệ sĩ quảng bá vở diễn trên mạng xã hội, nhờ các diễn đàn cải lương thu hút khán giả thích xem vở nguyên tuồng đến thưởng thức. Sân khấu Thầy Năm Tú của nghệ sĩ Nguyễn Quang (tại Nhà văn hóa Lao động quận Bình Tân) từng diễn miễn phí trong tuồng đầu tiên để đo lường mức độ yêu thích của công chúng. Tuy nhiên, các điểm diễn này đều gặp khó khăn khi tiếp cận các khán giả vãng lai.
Theo bước chân của kịch nói, nhiều đơn vị nỗ lực xã hội hóa cải lương nhưng chưa thành công. Các câu lạc bộ như Cải lương Tinh Hoa, Hương Xưa, Sân khấu thể nghiệm... ra đời nhưng sớm đi vào quên lãng. Năm 2008, chương trình Sân khấu vàng của NSND Lệ Thủy - NSƯT Minh Vương được xây dựng với mục địch khôi phục các vở kinh điển và quyên góp quỹ thiện nguyện. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí từ các mạnh thường quân, chương trình này phải kết thúc sau vài năm khởi xướng. Nhóm xã hội hóa của nghệ sĩ Vũ Luân cũng rơi vào cảnh đìu hiu, từ rạp Thủ Đô chuyển sang sân khấu trong công viên Lê Thị Riêng, dù trước đó đầu tư hàng tỷ đồng. Năm 2015, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf xây dựng một sàn diễn cải lương định kỳ ở Nhà hát Nón Lá, Cung văn hóa Lao động (quận 1) nhưng bỏ cuộc vì không có nghệ sĩ chung lưng đấu cật.
Những năm gần đây, NSƯT Kim Tử Long là một trong những nghệ sĩ đi theo mô hình đổi mới. Ban đầu, họ kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ. Sau đó, khi có được nguồn thu, nghệ sĩ đóng góp cát-xê của họ, và chia ra từng mảng để phụ trách như: cảnh trí, phục trang, dàn nhạc... cho một vở diễn. Kim Tử Long kể anh nhận được chia sẻ của nhiều nghệ sĩ tâm huyết để chung tay với mong muốn hồi sinh cải lương. Ấp ủ dự định khôi phục Sân khấu vàng, nghệ sĩ Minh Vương cho rằng trên chặng đường đi tìm ánh hào quang xưa, cải lương rất cần sự quan tâm của các nhà quản lý văn hóa, sự đồng lòng giữa các nghệ sĩ nhiều thế hệ.
Phần một: Dấu ấn vàng son của cải lương chặng đường 100 năm
Mai Nhật