Căn bệnh viêm phế quản mãn tính của soạn giả Thu An không làm cho giới sân khấu ngạc nhiên. Bởi để có được gia tài đồ sộ hơn 150 kịch bản cải lương cộng với hàng nghìn bài vọng cổ một thời làm mưa, làm gió trên các sân khấu TP HCM, ông đã biến mình thành người nghiện thuốc lá. Đến thăm ông vào một chiều mưa, con đường Lê Lợi - Gò Vấp lầy lội sình đất. Nhà ông nằm khuất trong con hẻm ngoằn ngoèo. Trước đây ông có một căn nhà rộng lớn, sau khi đoàn Hương Mùa Thu lâm vào cảnh khó khăn vì nợ, ông quyết định bán nhà, bán hết tài sản để trả nợ. Giới sân khấu cải lương phong ông danh hiệu "Ông hoàng thi ca vũ, nhạc, kịch", vì ông là người khám phá phong cách đưa thơ ca, vũ điệu dân gian vào cải lương.
Năm 1954 khi còn là công nhân hãng đĩa Hoành Sơn, Thu An được kết nạp Đảng Cộng sản VN. Ông nhận chỉ thị của tổ chức bằng mọi cách thu hút quần chúng đến với sân khấu, dùng sân khấu tuyên truyền ý chí đấu tranh cách mạng. Phong cách dàn dựng mới của Thu An đã được các gánh hát tiếp nhận, trong đó có đoàn Kim Thoa diễn vở Lấp sông Gianh, bị mật thám chế độ Sài Gòn ném lựu đạn đàn áp tại rạp Nguyễn Văn Hảo.
Vài năm sau ông lập đoàn Hương Mùa Thu, công khai dàn dựng các vở cải lương đề cao tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Khi vở Con cò trắng ra đời, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam năm 1968. Qua mấy tháng điều tra, truy tìm tổ chức có tên gọi “Đoàn Chủ tịch Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc”, không có bằng chứng, chúng đành thả ông. Sau sự kiện này, ngòi bút của Thu An càng sắc bén hơn...
Với hơi thở khó nhọc, ông cố mỉm cười nhắc lại những hoài bão chưa thực hiện xong. Vợ ông - NSƯT Ngọc Hương đã bán tất cả tài sản trong nhà để điều trị bệnh cho ông. Mỗi ngày phải có 180.000 đồng mua 4 bình oxy cho ông thở. Tám lần vào ra bệnh viện, của cải theo căn bệnh hiểm nghèo của ông cứ đội nón ra đi. Ông bà có hai người con nhưng họ đều gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bạn bè đồng nghiệp, các nghệ sĩ và khán giả nhiều lần quyên góp giúp đỡ ông, nhưng đời sống của ông vẫn quá đỗi ngặt nghèo. Xúc động nhất là dù trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ, ông vẫn miệt mài sáng tác. Những bản thảo dày đặc chữ viết, ông đọc rồi sửa, như con tằm tiếp tục nhả tơ cống hiến cho đời.
"Với nghề hát, bệnh tật là của hồi gia", câu ví von chua xót này lại vận vào số phận của 4 nam nghệ sĩ ngôi sao một thời tung hoành trên các sàn diễn. NSƯT Minh Phụng đang nằm điều trị tại lầu 3 Khoa Thận Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông mổ tim năm 2003, liền sau đó phát hiện suy thận và bệnh huyết áp. Thời gian đó vợ con ông, nghệ sĩ Kiều Tiên và Y Phụng, đã xuống tóc nguyện cầu cho ông vượt qua căn bệnh. Các y tá điều dưỡng kể lại, tối 28/7 ông trốn bệnh viện đến rạp Quốc Thanh tham gia chương trình Vầng trăng cổ nhạc. Khi các bác sĩ phát hiện thì ông đã quay trở về bệnh viện, dù mệt nhọc nhưng cười thật tươi: "Mong bác sĩ thông cảm, tôi không thể rời xa sân khấu". Nghệ sĩ Kiều Tiên tâm sự, ông buồn vì cô con gái Tiểu Phụng đang sống ở Mỹ, đã lợi dụng tên tuổi ông xin tiền người quen, dẫn đến chuyện ông phải thông báo từ con. Nay thì mọi việc đã qua, Tiểu Phụng đã nhận lỗi, nhưng các bác sĩ khuyên gia đình không nên để ông quá xúc động.
Là một nghệ sĩ nổi tiếng, Minh Phụng từng lập gánh hát Tiếng Chuông Vàng, rồi rơi vào cảnh thua lỗ. Gánh hát rã, ông trở về tiếp tục tham gia biểu diễn các chương trình của Nhà hát Trần Hữu Trang. Trên giường bệnh ông vẫn thèm được ca diễn, được hóa thân vào những nhân vật anh hùng. Ông cười phúc hậu: "Tôi sẽ lại về với sân khấu thôi, không lâu đâu".
Nghệ sĩ Trường Sơn nhập viện đêm 24/7 khi đang diễn vở Thanh Xà - Bạch Xà tại rạp Hưng Đạo. Căn bệnh ép tim dẫn đến tình trạng khó thở đã được các bác sĩ khuyến cáo không nên ráng sức cho những vai diễn đòi hỏi dùng võ thuật, vậy mà ông vẫn diễn. Nghệ sĩ Trường Sơn lớn lên trên sân khấu Đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng đóng các vai kép võ, lão tướng chuyên dùng sức để chạy gối, múa đao, nhảy phi thân. Có vai diễn phải hét lớn, ho ra máu nhưng ông vẫn cứ diễn. Gia cảnh ngặt nghèo, một mình nữ diễn viên Tú Sương (con gái) phải lo trăm thứ chi tiêu, mà sân khấu lại đang gặp nhiều khó khăn. Nằm ở bệnh viện Nguyễn Trãi, ông vẫn mơ sớm bình phục để trở lại sân khấu, truyền nghề cho các diễn viên trẻ. Ông bộc bạch: “Nếu có chết xin cho tôi được chết trên sân khấu”.
Nghệ sĩ Đức Lợi có hoàn cảnh thương tâm hơn. Ông mang trong người bốn căn bệnh: xơ gan, tiểu đường, lao phổi, mật có sạn. Nhờ các ca sĩ, nghệ sĩ giúp đỡ nhưng mỗi ngày ông vẫn phải tốn tới nửa triệu đồng tiền thuốc, con gái và người thân không còn đủ sức lo. Giờ ông đã xin bác sĩ về nhà, uống thuốc nam cầm cự qua ngày. Với ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng, ông nói thèm một suất hát để ông được sắm tuồng. Vai diễn mà khán giả nhớ đến Đức Lợi là Quang Trung Nguyễn Huệ trong vở Mặt trời đêm thế kỷ (tác giả Lê Duy Hạnh). Ông cũng là người dìu dắt nhiều diễn viên trẻ đến với nghề. Thời trẻ, Đức Lợi lao tâm lao lực nhiều cho nghề hát, đôi lúc xem thường cả việc giữ gìn sức khỏe để vở diễn đạt được hiệu quả nghệ thuật cao. Đoàn Huỳnh Long một thời có ông là trụ cột.
Nghệ sĩ Minh Vương trên giường bệnh. |
Trường hợp của nghệ sĩ Vũ Minh Vương khiến không ít người phải rơi nước mắt. Một thời anh là kép chánh đoàn Văn Công TP HCM, Hương Mùa Thu... diễn chung với nghệ sĩ Mỹ Châu, Thanh Thủy, Ngọc Hương... Sự nghiệp sân khấu của anh có nhiều vai diễn được khán giả yêu mến. Anh từng đứng ra lập gánh Đại nhạc hội Vũ Minh Vương, rồi lập quán nghệ sĩ. 49 tuổi sự nghiệp tiêu tan, vợ anh (diễn viên múa lửa Kim Ngân) qua đời năm ngoái, con gái duy nhất của anh lập gia đình ở Bình Phước nhưng đời sống kinh tế không ổn định nên không có điều kiện chăm sóc cho cha.
Khi phát hiện Minh Vương nằm mê man bất tỉnh, bạn bè nghệ sĩ đã đưa anh đi cấp cứu. Bác sĩ phát hiện anh mắc bệnh gan, tiểu đường, huyết áp cao. Hơn một tháng điều trị, số tiền thuốc của anh đã lên đến 35 triệu đồng. Cho đến ngày hôm nay, dù đã qua cơn hôn mê nhưng vì không đủ khả năng tài chính để tiếp tục điều trị trong bệnh viện, anh xin bác sĩ cho về nhà. Sống trong căn nhà thuê, nằm sâu trong con hẻm trên đường Lê Hồng Phong nối dài, hằng ngày Minh Vương được bạn bè nghệ sĩ đến thăm, mang cho lon cháo, tô cơm. Nghệ sĩ Vũ Minh Vương gần như không còn người thân để chăm sóc anh trong lúc bệnh tình nguy hiểm. Dù vậy, anh vẫn khát khao được hát, được sống với nghề. Mỗi lần có người đến thăm, anh đều nghẹn ngào: "Nhớ nghề quá, tôi vẫn nằm mơ thấy mình được hát trên sân khấu".
(Theo Người Lao Động)