Đầu tháng 12, gia đình cố nghệ sĩ Thanh Nga sẽ tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 40 năm ngày mất của "nữ hoàng sân khấu" miền Nam. Sự kiện do NSƯT Hữu Châu - cháu cố nghệ sĩ chủ trì. Hơn 20 năm vươn lên trở thành giọng ca hàng đầu của làng cổ nhạc, Thanh Nga ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ đàn em như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... Trong đó, sự kết hợp của bà với tài tử - cố NSƯT Thanh Sang - đánh dấu một mốc son trong chặng đường cải lương 100 năm.
Cố NSƯT Thanh Nga và Thanh Sang. |
Vào nghề từ thập niên 1950, năm 16 tuổi, Thanh Nga ghi dấu ấn đầu tiên với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới (soạn giả Kiên Giang sáng tác). Vai diễn đưa bà lên hàng ngôi sao triển vọng thời bấy giờ, đồng thời là người đầu tiên đoạt giải Thanh Tâm - giải thưởng cao quý - vào năm 1958. Thừa hưởng nét đẹp phúc hậu, đằm thắm từ mẹ - bà bầu Thơ - cùng nền tảng ca diễn, Thanh Nga từng bước chinh phục nhiều tầng lớp khán giả tại đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga do mẹ mình sáng lập. Những năm sau đó là thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Thanh Nga khi sóng đôi cùng Thanh Sang và "tạo bão" qua loạt vai diễn kinh điển.
Thập niên 1960, trong làn sóng sách truyện võ hiệp kỳ tình ồ ạt du nhập, các rạp đua nhau dựng tuồng cổ trang. Năm 1964, ở tuổi 21, Thanh Sang nổi lên với vai Tạ Tốn trong tuồng Cô gái Đồ Long. Đóng vai lão - một ông già bị mù, tức không thể diễn nội tâm bằng ánh mắt, chàng kép trẻ vẫn làm nên chuyện, trở thành tên tuổi ăn khách của đoàn Hoa mùa xuân (sau đó đổi tên thành đoàn Dạ lý hương). Năm đó, ông cùng Lệ Thủy được vinh danh tại lễ trao giải Thanh Tâm, bước vào hàng ngũ diễn viên ăn khách. Cũng với vai Kim Mao sư vương, ông lần đầu mua được nhà cho mẹ ở quê Long Hải. Sau đó, ông về đầu quân cho gánh hát của bà bầu Thơ. Từ đây, tên tuổi của Thanh Sang - Thanh Nga bước sang trang mới.
Hơn 10 năm sóng đôi, với chất giọng thiên phú cùng lối ca diễn ăn ý, Thanh Nga và Thanh Sang cùng nhau chinh phục nhiều thể loại tuồng, từ cổ trang đến xã hội. Trong đó, Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu - ra mắt năm 1976 - là một trong những vở đi vào lịch sử cải lương. Chuyện tình cổ tích của tiểu thư Quỳnh Nga và chàng trai nghèo Trần Minh chinh phục người mộ điệu nhiều thế hệ, đề cao giá trị của lòng thủy chung và đức nhân nghĩa ở đời.
Diễn xuất chừng mực, tinh tế, đài từ sang trọng của Thanh Nga khắc họa một Quỳnh Nga đóng đinh vào tâm trí người xem với dung mạo đoan trang, phẩm hạnh cao vời. Các cảnh diễn Quỳnh Nga cãi lời cha vì ông hủy giao ước gả con gái cho Trần Minh "khố chuối" hay cảnh cô đối đáp với quận chúa - người si mê Trần Minh... là những lớp diễn kinh điển. Bên cạnh nhân vật tiểu thư, Thanh Sang lột tả chàng Trần Minh hiền lành, hiếu thảo, trọng nghĩa tình. Lối diễn chân phương, nồng đượm cảm xúc của đôi nghệ sĩ trở thành yêu cầu chuẩn mực cho thế hệ nghệ sĩ sau này mỗi khi tái dựng vở. Đến nay, video trắng - đen của vở tuồng vẫn là một trong những tác phẩm cải lương được thưởng thức nhiều trên Youtube, với hàng trăm nghìn lượt xem.
Tác phẩm Tiếng trống Mê Linh (Vĩnh Điền cùng nhóm tác giả chuyển thể) là thành tựu khác của đôi nghệ sĩ ở thể loại tuồng lịch sử. Năm 1977, họ thành công vang dội khi đưa vở diễn về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trở thành tác phẩm ăn khách, bất chấp khó khăn của sân khấu miền Nam trước văn hóa phim ảnh, ca nhạc ngoại nhập thời ấy. Khán giả ấn tượng với lời ca lúc Trưng Trắc và Thi Sách tiễn biệt nhau: "Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề/ Khi xa nhau muôn dặm dài như có nhau kề vai trong chinh chiến, dẫu muôn đắng cay chi sờn...", hay lời hiệu triệu của Trưng Trắc qua giọng ca lồng lộng khí thế quật cường của Thanh Nga: "Hỡi đồng bào trăm họ/ Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước/ Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/ Thà chết mà đứng thẳng/ Không cam chịu sống quỳ...". Báo chí đương thời ghi nhận cảnh vé vở tuồng "cháy" liên tục. Tác phẩm góp phần giúp đoàn Thanh Minh Thanh Nga vực dậy tên tuổi sau khi được tái lập (1975).
Chia sẻ với VnExpress, NSƯT Hữu Châu - cháu cố nghệ sĩ Thanh Nga - cho rằng, sự thành công của "thương hiệu" Thanh Nga, Thanh Sang đầu tiên là nhờ yếu tố hoàn cảnh. Trước đó, Thanh Nga đã kết hợp thành công với nhiều kép hàng đầu như nghệ sĩ Thành Được, Hữu Phước... "Tuy nhiên, đa phần giới mộ điệu công nhận Thanh Nga và Thanh Sang là cặp đôi vàng vì ông là tài tử gắn bó với Thanh Nga từ thời kỳ đỉnh cao cho đến khi bà qua đời. Ngoài ra, những tác phẩm họ diễn chung thời bấy giờ đều được ghi hình lại, lưu giữ cho thế hệ công chúng sau này, góp phần quảng bá tên tuổi cả hai", Hữu Châu nhận định.
Nghệ sĩ Bạch Long, người sáng lập đoàn Đồng Ấu Bạch Long một thời - đánh giá việc Thanh Nga, Thanh Sang trở thành đệ nhất đào kép là do họ bổ sung nhau để tạo sự hài hòa. Đứng chung với Thanh Sang, Thanh Nga được tôn nét nữ tính lẫn tinh hoa diễn xuất, tạo nên nhiều dạng vai kinh điển như tiểu thư Quỳnh Nga, Trưng Trắc, Thái hậu Dương Vân Nga... "Diễn chung với 'người tình nghệ thuật', Thanh Sang được chắp cánh, từ đó càng nổi tiếng với các vai kép chính. Họ là gương mẫu về diễn xuất, ca hát lẫn sắc vóc cho các đôi đào, kép sau này", Bạch Long nhận xét.
NSƯT Diệu Hiền từng đánh giá chất giọng nam tính, trầm buồn của Thanh Sang phù hợp với những vai cương nghị, giàu chí khí. Phong cách ấy hài hòa khi kết hợp với lối diễn nữ tính, đằm sâu của Thanh Nga. NSND Bạch Tuyết - người từng nhiều dịp tiếp xúc với đôi nghệ sĩ - chia sẻ họ có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời bà. Thanh Nga từng giúp bà nuôi mộng trở thành đào chánh năm 14 tuổi, và gần 10 năm sau, cố danh ca lại là người trao tặng bà giải thưởng diễn viên triển vọng. Với Thanh Sang, Bạch Tuyết học ở ông cách nắm bắt tâm lý nhân vật và nương theo bạn diễn xuyên suốt tác phẩm.
Ngày 26/11/1978, Thanh Nga đột ngột ra đi ở tuổi 36, sau suất diễn duy nhất vai cuối cùng trong đời - Thái hậu Dương Vân Nga. Thanh Sang từng tuyên bố, sẽ không có vai diễn nào trong sự nghiệp của ông hay hơn Thi Sách, cũng như không bạn diễn nào hiểu ý ông hơn "Trưng Trắc" Thanh Nga.
Đạo diễn Thanh Hiệp - người từng có nhiều dịp làm việc cùng nghệ sĩ Thanh Sang - kể, trong các cuộc trò chuyện, ông vẫn luôn nhắc đến bạn diễn quá cố với tình cảm trìu mến. Ông kể lúc mới diễn chung, ông và Thanh Nga thường gây gổ vì trái tính. Ông hiền nhưng cộc tính, còn bà hay mít ướt, lại thích mách mẹ - bầu gánh hát. Có lần giận nhau, khi diễn, bà chỉ nhìn trán ông chứ không nhìn mắt. Vào hậu trường, ông ghé tai bà, dặn có giận thì giận trong cánh gà, chứ ra sân khấu, khán giả biết được thì kỳ. Rồi bà bật cười, cả hai tiếp tục diễn ăn rơ cho đến hết tuồng.
Thanh Nga bên con trai - nghệ sĩ hài Hà Linh. |
Cuối đời, dẫu phải điều trị nhiều chứng bệnh, tới ngày giỗ Thanh Nga, Thanh Sang vẫn ôm hoa đến viếng mộ phần bà tại chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp, TP HCM). Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017, Thanh Sang bày tỏ ý định vào dịp sinh nhật (ngày 24/12), ông muốn làm đêm diễn quy tụ các đồng nghiệp thân thiết. Ở đó, ông sẽ tái hiện hào khí của sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga và tưởng nhớ bạn diễn thân thiết một thời qua các vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa... Dự định vĩnh viễn không thành khi ông qua đời vào tháng 4/2017.
* Những vai diễn ghi dấu ấn Thanh Sang
Mai Nhật