Thứ tư, 24/4/2024
Chủ nhật, 2/12/2018, 15:10 (GMT+7)

Nghệ sĩ Sài Gòn nhớ 40 năm ngày Thanh Nga mất

NSND Hồng Vân, Mộng Tuyền, Hồng Ánh... bồi hồi xem video các trích đoạn cải lương kinh điển và dâng hoa hồng tưởng niệm cố nghệ sĩ.

Trưa 2/12, tại TP HCM, nghệ sĩ Hữu Châu (cháu) và diễn viên Hà Linh (con trai) đại diện gia đình cố nghệ sĩ Thanh Nga tổ chức buổi kỷ niệm 40 năm ngày giỗ vợ chồng bà. Vào ngày 26/11/1978 (tức ngày 26/10, Nhâm Tuất), Thanh Nga và chồng bị sát hại trước cửa nhà riêng tại quận 1. Bà mất vì đỡ cho con phát đạn oan nghiệt, khép lại cuộc đời một tài năng đang độ chín muồi, thăng hoa.

Trên sân khấu, di ảnh cố nghệ sĩ được đặt giữa hàng nghìn cánh hồng. Theo nguyện vọng của gia đình, khách mời đều mang theo hoa để nhớ về giai nhân của làng nghệ thuật một thời.

Đám giỗ 40 năm nghệ sĩ Thanh Nga
 
 

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương chia sẻ sinh thời, Thanh Nga không chỉ lưu dấu ấn với cải lương mà còn tham gia nhiều bộ phim. Từ phim ảnh, cả hai có nhiều kỷ niệm gắn bó, trân trọng tấm lòng làm nghề của nhau. 

Ở buổi lễ, gần 100 khán giả mộ điệu, đồng nghiệp thân thiết, các diễn viên nhiều thế hệ quây quần bên nhau xem, nghe lại vài trích đoạn vở tuồng kinh điển ghi đậm dấu ấn Thanh Nga như "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh", "Thái hậu Dương Vân Nga"...

Sáng nay, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân đã chọn những nhánh hồng đẹp trong vườn nhà của chị để mang đến trang trí bên di ảnh cố nghệ sĩ. Ngày nhỏ, chị từng phải dành dụm tiền mới đủ để mua vé xem vở Thái hậu Dương Vân Nga của cố nghệ sĩ ở rạp Cao Đông Hưng vào ngày 26/11/1978. Đó cũng là lần cuối Hồng Vân được nhìn thấy thần tượng của chị. "Bà bầu" lập bàn thờ nghệ sĩ Thanh Nga ở sân khấu của mình như lời nhắc nhở các thế hệ diễn viên giữ gìn cái tâm và trau dồi nghề nghiệp. 

Nghệ sĩ Mộng Tuyền là diễn viên một thời của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, từng đoạt giải Thanh Tâm năm 1963. Ở buổi giỗ, chị nhiều lần xúc động khi nhắc lại thời vàng son của sân khấu cải lương cũng như niềm tự hào hoạt động chung đoàn hát, học hỏi nhiều điều từ các nghệ sĩ tài danh, trong đó có Thanh Nga. 

Mộng Tuyền rơi nước mắt khi xem lại trích đoạn "Bên cầu dệt lụa". "Lối ca diễn chân phương, chuẩn mực của các nghệ sĩ thế hệ trước, nhất là của cố nghệ sĩ Thanh Nga, đã ảnh hưởng sâu sắc đến lớp diễn viên sau này", chị tâm sự.

Hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực kịch nói và phim ảnh, Nghệ sĩ Kim Xuân vẫn luôn dành nhiều tình cảm cho nghệ thuật sân khấu cổ truyền, nhất là cải lương. 

Diễn viên Hồng Ánh kể mỗi năm dịp lễ giỗ nghệ sĩ Thanh Nga chị đều dành thời gian góp mặt để tưởng niệm và tri ân. Hồng Ánh từng tìm xem nhiều tư liệu về cuộc đời bà cũng như các tác phẩm phim ảnh, sân khấu. "Càng xem tôi càng ngưỡng mộ cốt cách, phong thái của một nghệ sĩ lớn", chị nói.

Trích đoạn 'Mưa rừng' - cố nghệ sĩ Thanh Nga
 
 

Thanh Nga trong trích đoạn "Mưa rừng".

Nghệ sĩ Hữu Châu kể sinh thời, nghệ sĩ Thanh Nga rất thích được tặng hoa hồng sau mỗi buổi diễn, nhất là được tặng một nhánh hồng hơn là cả bó to. "Nếu được tặng bó hồng, cô tôi thường thích có bông hồng vàng chen vào, bởi cô từng nói, trong đời thực hiếm khi có tình yêu lý tưởng mà phảng phất đâu đó là sự phản bội, mất mát, đó mới chính là cuộc đời", Hữu Châu chia sẻ. 

Diễn viên Phước Sang dâng hoa hồng tưởng nhớ cố nghệ sĩ. 

Diễn viên Hà Linh - con trai cố nghệ sĩ - cùng các con dâng hoa hồng trước di ảnh bà. Anh từng tâm sự danh tiếng của gia đình đã giúp anh được biết đến nhưng cũng áp lực lớn khiến anh nhiều lúc thấy mặc cảm.

Diễn viên Thanh Hiền - vợ cũ của nghệ sĩ Gia Bảo (cháu nội Nghệ sĩ Ưu tú Bảo Quốc) - cùng con gái dâng hoa. Nghệ sĩ Bảo Quốc là em cùng mẹ khác cha với Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga.

Không khí buổi lễ diễn ra trang nghiêm, nhẹ nhàng.

Trích đoạn trong "Tiếng trống Mê Linh" - Thanh Nga, Thanh Sang
 
 

Cố nghệ sĩ Thanh Nga - Thanh Sang trong vở "Tiếng trống Mê Linh".

Ảnh: Quỳnh Trần

Thoại Hà