Sáng 4/10, ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM), cho biết các tuyến buýt này chạy trở lại sau khi đơn vị làm việc và được thống nhất từ huyện Cần Giờ. Bốn tuyến xe khi hoạt động phải đảm bảo theo các tiêu chí an phòng chống Covid-19 trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố.
Trong các tuyến nêu trên, buýt số 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh), chạy nhiều nhất với 90 chuyến mỗi ngày. Kế đến, tuyến số 127 (An Thới Đông - Ngã ba Bà Xán) và 128 (Tân Điền - An Nghĩa), có 70 chuyến hoạt động. Tuyến buýt số 77 mỗi ngày có 60 chuyến chở khách. Ngoài 4 tuyến này, trung tâm sẽ căn cứ tình hình phòng chống dịch, nhu cầu đi lại lên kế hoạch cho các tuyến khác.
Cùng với quận 7 và huyện Củ Chi, Cần Giờ là địa phương kiểm soát được dịch sớm nhất. Nơi này đã triển khai nới lỏng biện pháp phòng chống Covid-19 và cho hoạt động một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, du lịch từ ngày 16/9. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển, các tuyến buýt chạy trở lại góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Trước đó, phương án tổ chức giao thông tại thành phố, xe buýt dần chạy trở lại sau 1/10, với tần suất, thời gian phù hợp theo nhu cầu mỗi khu vực. Taxi, xe du lịch cũng được chạy trở lại nhưng không vượt quá 20-30% số xe ở từng đơn vị. Ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ cũng không quá 10% số xe doanh nghiệp...
TP HCM hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Từ ngày 20/6, để phòng chống dịch, xe buýt cùng các loại hình vận tải hành khách khác như taxi, xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu... tạm dừng hoạt động đến nay.
Gia Minh