Sáng 16/9, tại chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận7, ngoài việc kiểm tra giấy đi đường, giấy xét nghiệm âm tính với nCoV (đối với shipper), lực lượng chức năng kiểm tra thêm thẻ xanh Covid với người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Người dân ra đường mua nhu yếu phẩm phải xuất trình thẻ đi chợ do chính quyền địa phương cấp.
Sau khi trình thẻ xanh trên điện thoại ở chốt, anh Nguyễn Thanh Tú, 46 tuổi, ngụ phường Tân Hưng được cho qua chốt trong vài giây. "Mình tiêm mũi 2 vaccine hôm 2/9. Sau 2 hôm thấy cập nhật lên điện thoại nên mừng lắm vì hiện có nhiều người tiêm rồi nhưng chưa cập nhật", anh Tú nói.
Theo cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP HCM) trực tại chốt, sau khi quận 7 thực hiện "bình thường mới", lượng người đi ngoài đường tăng lên. Sắp tới, một số nhóm được thí điểm cấp mã QR tích hợp các thông tin về lịch sử đi lại, tiêm vaccine, xét nghiệm... nên việc kiểm tra nhanh hơn.
Cách chốt kiểm soát 1,5 km, siêu thị Lotte Mart sáng nay bắt đầu mở cửa để người dân vào mua thực phẩm. Bên ngoài, siêu thị dán thông báo các nhóm người được vào mua hàng. Khách trước khi vào được đo nhiệt độ, khai báo y tế... Trong ngày đầu, ít người dân đến siêu thị mà chủ yếu là lực lượng shipper, đi chợ hộ... Một số người không mang theo phiếu đi chợ phải quay về.
Chị Trần Thanh Thủy, 36 tuổi, bước ra siêu thị với hai tay xách túi đồ hơn chục kg chia sẻ, sáng nay được tổ trưởng đến nhà phát phiếu đi chợ. "Mấy tuần nay tôi đặt hàng trên mạng, chủ yếu thực phẩm, còn các đồ gia dụng nấu ăn rất khó đặt. Siêu thị mở cửa, hàng hóa phong phú hơn nên dễ lựa chọn", chị Thủy nói và chìa hóa đơn hơn 2 triệu đồng trong lần đầu đi siêu thị sau thời gian dài giãn cách.
Tại đường Nguyễn Thị Thập – khu vực có nhiều cửa hàng ăn uống của quận 7, trong sáng nay chỉ có một số ít quán mở cửa, nhiều nhà hàng khác vẫn chưa hoạt động. Vừa phục vụ khách, chị Võ Thị Hà, 40 tuổi, chủ tiệm bánh mỳ cho biết, đã chuẩn bị nhiều ngày trước đó để hôm nay mở bán. Chị Hà đã đăng ký hoạt động với phường theo hình thức "3 tại chỗ", toàn bộ nhân viên đều được tiêm 2 mũi vaccine, thực hiện 5K.
"Lúc mới mở quán mình lo nhất là nguồn cung cấp nguyên liệu vì sau khi đặt 2-3 ngày mới có hàng. Cũng phải cố gắng thôi vì được bán trở lại là vui rồi", chị Hà nói và cho biết giá mỗi ổ bánh mì vẫn 20.000 đồng, không tăng so với trước dịch.
Trong kế hoạch thí điểm từ đây đến 30/9, quận 7 cho khoảng 150 cơ sở gồm 100 hộ kinh doanh đường phố (mỗi phường 10 hộ) đảm bảo an toàn, có cam kết đồng ý kinh doanh trở lại và 50 doanh nghiệp (mỗi phường 5 doanh nghiệp). Nhóm ngành nghề được ưu tiên là dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi; siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhà thuốc; cửa hàng xăng dầu, gas...
Điều kiện kinh doanh là chủ cơ sở và người lao động phải sống tại quận 7, nằm trong "vùng xanh". Người lao động được tiêm 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh; xét nghiệm 5 ngày một lần theo mẫu đơn hoặc gộp 3. Hộ kinh doanh được hoạt động từ 6h đến 21h, theo phương thức "3 tại chỗ". Hộ có từ 5 lao động phải lập tổ tự quản về y tế hoặc tổ an toàn phòng chống Covid-19...
Trong hôm nay, huyện Cần Giờ tập trung sắp xếp lại các ngành nghề sản xuất, kinh doanh như hàng quán bán mang đi; bố trí chợ truyền thống hoạt động an toàn để chuẩn bị cho người dân đi chợ mỗi tuần một lần. Trước mắt, người dân chỉ được đi chợ trong phạm vi xã của mình.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hồng cho biết từ nay đến cuối tháng 9, các hoạt động được ưu tiên thí điểm là chợ truyền thống, siêu thị, quán ăn bán mang đi; cung cấp dụng cụ học tập; tin học văn phòng; thiết bị y tế... Ngoài ra, địa phương đang trình UBND thành phố phương án thi công trở lại các công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn trước đó tạm ngưng để phòng dịch. "Phương án của huyện là khoá chặt vòng ngoài để ngăn dịch xâm nhập và nới lỏng bên trong, cho những nơi đã kiểm soát, từng bước mở lại các hoạt động", ông Hồng nói.
Với đặc thù có rừng và biển, ông Hồng cũng cho biết giai đoạn này tại Cần Giờ sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, nhằm cung ứng cho thị trường huyện và cả thành phố. Đồng thời, địa phương sẽ phối hợp triển khai các tour du lịch khép kín trên địa bàn, nhằm tạo đột phá bước đầu trong phục hồi kinh tế.
Hiện, người trên 18 tuổi ở Cần Giờ tiêm mũi một vaccine Covid-19 cơ bản đạt 100%, mũi 2 gần 40%. Theo ông Hồng, vừa qua thành phố đề xuất rút ngắn thời gian tiêm giữa hai mũi AstraZeneca, nếu được thông qua cùng với nguồn vaccine đủ, huyện dự kiến hoàn thành 100% mũi 2 vào giữa tháng 10. "Đây là điều kiện để xem xét tiếp tục nới thêm các hoạt động trong hai tháng cuối năm", ông Hồng nói và cho biết địa phương cố gắng mở cửa nhanh nhất để người dân dần ổn định đời sống, nhưng việc triển khai phải chắc chắn từng bước.
Huyện Củ Chi cũng cho phép một số hoạt động được mở như chợ truyền thống, trong đó ưu tiên mặt hàng thiết yếu và cho người dân đi chợ mỗi tuần một lần. Những doanh nghiệp được hoạt động phải đảm bảo điều kiện thẻ xanh Covid cho nhân viên cùng các tiêu chí an toàn phòng dịch. Sau một tuần, huyện sẽ đánh giá lại và có thể mở rộng các loại hình hoạt động theo các cụm "xã xanh".
Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Quyết Thắng cũng cho biết địa phương sẽ mở một số tuyến du lịch về nguồn trên địa bàn như tham quan địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược, cùng một số khu vực sản xuất, mua bán sản phẩm nông nghiệp. Các tour du lịch sẽ triển khai theo hình thức "cung đường xanh", trong đó điều kiện hoạt động là các đơn vị phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, khách được tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính trước khi lên xe đến Củ Chi.
Quận 7, huyện Cần Giờ và Củ Chi là ba địa phương kiểm soát được Covid-19 sớm nhất và được chính quyền thành phố nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch từ ngày 16/9 đến 30/9. Tại cuộc họp báo tối qua, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình cho biết thay đổi đáng kể nhất là người dân 3 địa phương này được đi chợ một lần mỗi tuần, bổ sung một số lĩnh vực hoạt động và áp dụng thẻ xanh Covid gắn mã QR cá nhân... Việc thí điểm sẽ là cơ sở để thực hiện cho địa phương khác sau khi Covid-19 được khống chế.
Hà An - Gia Minh