Trưa 26/9, bà Võ Thị Khánh Hương, 51 tuổi, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, đến siêu thị Go trên đường Nguyễn Thị Thập cách nơi ở chừng 2 km mua thực phẩm. Bà được nhân viên siêu thị hướng dẫn vào khu vực đo thân nhiệt, làm thủ tục khai báo y tế và trình giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 vaccine.
Chừng 2 phút làm thủ tục, bà Hương xách giỏ lên lầu mua sắm. Hơn một tuần nay, bà cùng những người trong khu phố được tổ trưởng phát phiếu đi chợ, mỗi người được đi chợ tuần một lần. "Sau 3 tháng ở nhà, nay được ra chợ mua sắm thấy phấn chấn lên nhiều", bà Hương nói và cho biết việc trực tiếp đi siêu thị có thể chọn mua theo ý thích, không bị hạn chế như cách đi chợ hộ trước đây.
Báo cáo sơ kết 7 ngày thực hiện phòng chống Covid-19 và nới lỏng một số hoạt động từ 16-22/9, UBND quận 7 cho biết địa phương đã phát hơn 41.500 phiếu đi chợ cho người dân tại "vùng xanh", trong đó hơn 12.300 người đi chợ (tỷ lệ gần 30%). Số lượng hàng hóa ở các siêu thị được đánh giá đảm bảo cung cấp cho người dân, không có tình trạng thiếu hụt.
Về thử nghiệm hoạt động thể thao, quận 7 cho người dân tiêm 2 mũi vaccine được tập thể dục tại 2 công viên và 5 sân tập tennis ở phường Tân Phong và Tân Phú. Người dân phải tuân thủ giãn cách mật độ tối thiếu 10 m2 mỗi người, khoảng cách 2 m giữa 2 người. Việc mở lại hoạt động thể dục thể thao có kiểm soát nhận được ủng hộ nhiều người dân.
Theo Phó bí thư thường trực UBND quận 7 Trần Chí Dũng, sau 10 ngày nới lỏng một số hoạt động, số ca nhiễm mới ở địa phương không tăng, tình hình xã hội cơ bản ổn định. Dự kiến hoạt động thể thao được mở rộng 10 phường từ ngày 1/10 với các loại hình sân vận động, câu lạc bộ thể thao trong nhà và các khu công viên có dụng cụ tập luyện đơn giản.
Về điều trị bệnh nhân Covid-19, quận 7 đang triển khai phương án đưa bệnh viện quận trở lại khám chữa bệnh thông thường theo mô hình "bệnh viện xanh". Việc điều trị Covid-19 sẽ giao cho Bệnh viện dã chiến quận 7, tăng cường nhân lực y tế, trang thiết bị phục vụ, chăm sóc người bệnh.
"Số người tiêm vaccine mũi 2 tại quận hiện đạt hơn 46%, dự kiến hoàn thành giữa tháng 10 để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tiến đến bình thường mới hoàn toàn tại quận", ông Dũng nói và cho biết kết quả khả quan sau 10 ngày thí điểm nhưng quận hết sức thận trọng trong nới lỏng các hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại huyện Củ Chi, sau khi được thí điểm huyện đã mở một số hoạt động như chợ truyền thống, dã chiến đủ điều kiện ở những "xã xanh", cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu... Trong đó những khu vực đã kiểm soát dịch được bổ sung một số lĩnh vực được hoạt động trở lại, tuỳ theo kế hoạch của địa phương và tuân thủ tiêu chí phòng dịch. Tuy nhiên, việc đi lại của người dân vẫn được kiểm soát chặt, không phải ai cũng được ra đường.
Đến ngày 22/9, Củ Chi có 865 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đủ điều kiện hoạt động với hơn 8.700 lao động. Trong đó, 148 doanh nghiệp sản xuất đã có phương án "3 tại chỗ" với hơn 6.500 lao động, tăng 6 doanh nghiệp so với trước 15/9. Hiện, Củ Chi thí điểm các tour "du lịch xanh" ngắn hạn trong ngày, với chuỗi tham quan du lịch sinh thái, địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược... và giới thiệu các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng.
Tại xã Hoà Phú, một trong "vùng xanh" ở Củ Chi, bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Chủ tịch UBND xã thông tin 10 ngày qua, địa phương chỉ nới một số hoạt động như tổ chức cho người dân đi chợ mỗi tuần một lần trong phạm vi xã. Đồng thời, ngoài những doanh nghiệp hoạt động trước đó, xã cho mở lại các đơn vị khác khi đáp ứng tiêu chí phòng dịch như tiêm đủ hai liều vaccine cho nhân viên, xét nghiệm định kỳ, thực hiện "3 tại chỗ"...
"Các biện pháp này sẽ tiếp tục duy trì đến ngày 30/9 khi có chỉ đạo mới từ chính quyền huyện và thành phố", bà Hồng nói và cho biết việc cấp thẻ xanh Covid tại địa phương vẫn chờ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để triển khai.
Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, song song các biện pháp kiểm soát dịch, địa phương đang sắp xếp, từng bước phục hồi các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nếu đủ điều kiện. Hiện, Củ Chi đặt mục tiêu ngày 10/10 hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn.
Tại huyện Cần Giờ, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hồng, sau 10 ngày nới lỏng một số hoạt động, dịch ở địa phương được kiểm soát. Số lượng F0 phát sinh trung bình dưới 10 ca mỗi ngày, có thời điểm 3 ngày liên tiếp không ca nhiễm. "Huyện tiếp tục giữ vững vùng xanh, thực hiện giãn cách nghiêm cùng với tăng tốc tiêm mũi 2 cho người dân, đến nay đạt hơn 50%", ông Hồng nói về cơ sở để huyện tính toán nới lỏng thêm một số hoạt động trong thời gian tới.
Dự kiến huyện Cần Giờ tăng tần suất đi chợ cho dân lên 2-3 lần mỗi tuần, nhưng vẫn tuân thủ 5K. Địa phương thí điểm cho 50% tàu thuyền ra khơi đánh bắt gần bờ, người nuôi trồng, chế biến thủy hải sản được cấp thẻ đi đường để làm việc. Huyện dự kiến cho dân tập thể dục trở lại và phải tuân thủ Bộ tiêu chí phòng dịch về thể dục thể thao ngoài trời.
"Về hoạt động du lịch, chúng tôi đã tổ chức 3 tour cho khoảng 400 người là y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đảm bảo an toàn theo nguyên tắc khép kín, ông Hồng nói và cho biết sắp tới huyện phối hợp sở ngành mở rộng hoạt động các nhà hàng, khách sạn và tour du lịch đường thủy phục vụ người dân.
Hôm 16/9, chính quyền TP HCM cho phép 3 địa phương cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh là quận 7, huyện Cần giờ, Củ Chi được nới lỏng một số hoạt động. Người dân được đi chợ mỗi tuần một lần, một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh đảm bảo tiêu chí phòng dịch được hoạt động... Việc thí điểm là cơ sở để thành phố áp dụng cho địa phương khác sau khi Covid-19 được khống chế.
Hà An - Gia Minh