Bệnh viện Nhi Trung ương hôm 18/2 thống kê có gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ... cắn hoặc cào đến khám chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết. 90% trong số này là trẻ em.
Theo bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, tình trạng này xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng Việt Nam. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Mỹ) thống kê có khoảng 4.5 triệu trường hợp chó cắn xảy ra mỗi năm. Một phần năm trong số đó phải nhập viện, phần lớn trẻ em. Viện Y tế Quốc gia Mỹ ước tính tỷ lệ bệnh nhi nhập viện cấp cứu do chó cắn cao nhất trong số các bệnh, với chi phí y tế hàng năm khoảng 252 triệu USD.
Có 4 lý do khiến trẻ dễ bị chó, động vật tấn công, được bác sĩ Phong liệt kê dưới đây.
Tầm vóc thấp bé
Trẻ em có tầm vóc nhỏ và thấp hơn người lớn nên rất khó chống đỡ khi bị chó tấn công, từ đó gây thương tích nặng. Những con chó có thể hình lớn thường cao ngang đầu, mặt hoặc tai, cổ của em bé, dễ tấn công vào các vùng nhạy cảm của trẻ hơn.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phẫu thuật Sọ mặt năm 2022, tiến hành trên hơn 56.000 trẻ em bị chó cắn giai đoạn 2015-2020 ở Mỹ, cho thấy vị trí giải phẫu phổ biến nhất của các vết thương do chó cắn là đầu hoặc mặt (62,1%), chi trên (25,1%). 2,9% bệnh nhân bị gãy xương ở các vùng quan trọng như đầu, cổ, chi trên, chi dưới hoặc thân mình.
Bé trai trong độ tuổi đi học thường bị chó cắn nhiều hơn vào mùa hè. Phần lớn trẻ mới biết đi bị thương ở mặt, trong khi đa số thanh thiếu niên bị thương ở chi trên.
Tình huống của trẻ em ở Mỹ có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam khi nhiều ca được ghi nhận có vết thương ở vùng mặt và vùng thân, xảy ra nhiều hơn vào các dịp nghỉ, lễ. Ví dụ đa số ca bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương bị động vật cào, cắn khi đi chơi trong dịp Tết, trường hợp nghiêm trọng nhất bị chó cắn vào vùng lưng, bụng, đùi, gây thủng ruột.
Chưa biết cách tương tác với chó
Trẻ nhỏ thường hiếu động, thường xuyên chơi hoặc tiếp cận chó ở khoảng cách gần, có thể vô tình xâm phạm không gian cá nhân của con vật. Bên cạnh đó, em bé có thể không nhận ra các dấu hiệu cảnh báo hoặc không biết cách tương tác phù hợp, ví dụ nhìn thẳng vào mắt chó; ôm, kéo đuôi hoặc tiếp cận những con chó lạ, khiến con vật trở nên hung dữ hoặc phòng thủ, tấn công con người.
Thiếu sự giám sát của gia đình
Gia đình không giám sát khi trẻ chơi cùng chó cũng là một phần nguyên nhân khiến trẻ bị chó cắn nhiều. Trẻ em có thể vô tình khiêu khích hoặc đối xử không đúng mực, khiến con chó trở nên hung dữ và bị cắn.
Gia đình chưa hiểu về bệnh dại
Trẻ em vốn chưa có kiến thức về bệnh dại nên vết thương do chó cắn phụ thuộc vào việc xử lý của người thân. Với những phụ huynh có hiểu biết về bệnh, trẻ sẽ được xử lý vết thương đúng cách và tiêm phòng dại, ngăn nguy cơ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ tử vong do phụ huynh không đưa con đi điều trị dự phòng bằng vaccine dại, ngược lại tìm đến thầy lang, điều trị sai cách.
Ngoài ra, một số trẻ nhỏ khi bị cắn, có vết xước nghiêm trọng nhưng không thông báo cho gia đình, người thân, từ đó bỏ lỡ cơ hội điều trị. Ví dụ tháng 9/2023, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận hai bé trai 8 tuổi ở Gia Lai và 13 tuổi ở Đắk Nông đều mắc bệnh dại ở giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch. Các bé không thông báo cho gia đình về vết thương, chỉ phát hiện được khi con chó chết bất thường.
Bác sĩ Phong khuyến cáo gia đình nên giám sát trẻ chặt chẽ khi chơi đùa cùng động vật, khi có vết thương cần nhanh chóng xử trí. Các bước sơ cứu đúng gồm: rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong khoảng thời gian 10-15 phút, sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn iốt, đến cơ sở y tế để điều trị và tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, theo bác sĩ Phong, gia đình có thể cho trẻ tiêm dự phòng dại nếu có nguy cơ cao tiếp xúc mầm bệnh. Phác đồ gồm ba mũi, linh động về thời gian, sẽ tiêm thêm hai mũi khi bị con vật tấn công và không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Mộc Thảo