Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ông chủ Nhà Trắng nhậm chức hồi đầu năm 2021.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Biden mô tả Chủ tịch Tập là người thẳng thắn, đồng thời cho biết ông tin lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng thỏa hiệp trong một số vấn đề, dù không nêu chi tiết.
Theo hãng thông tấn Mỹ AP, dù cuộc gặp không tạo ra bất cứ đột phá nào, nó đã giúp hai nước trao đổi quan điểm của nhau trong những vấn đề trọng yếu.
Thái độ cởi mở
Hai năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo cấp cao không rời Trung Quốc do đại dịch Covid-19. Các sự kiện ngoại giao của ông Tập chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Dù Trung Quốc vẫn áp dụng nghiêm ngặt các quy định chống dịch, điều này không ngăn ông Tập bắt tay ông Biden, ngay cả khi Tổng thống Mỹ đang bị cảm nhẹ.
Theo bình luận viên Verna Yu và Oliver Homes của Guardian, việc tiếp xúc gần và cùng nở nụ cười trước ống kính cho thấy hai lãnh đạo thể hiện họ có mong muốn quan hệ công việc tốt đẹp hơn.
Trong cuộc gặp, ông Tập cho rằng quan hệ song phương không đáp ứng được những lợi ích cơ bản của hai nước cũng như kỳ vọng toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng hai nước đều rất quan tâm và cần tìm hướng đi đúng đắn cho mối quan hệ này.
"Thế giới mong đợi Trung Quốc và Mỹ sẽ xử lý tốt mối quan hệ", Chủ tịch Trung Quốc nói. "Hai nước nên lấy lịch sử làm tấm gương và để lịch sử dẫn đường hướng tới tương lai".
Ngoài việc cùng phản đối các mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine, Tổng thống Mỹ dường như đã nhất trí được với Chủ tịch Trung Quốc về nối lại hợp tác cấp làm việc nhằm ứng phó loạt thách thức chung trên toàn cầu. Trong khi đó, ông Tập cũng có được cam kết mạnh mẽ hơn của ông Biden về duy trì nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Vấn đề Đài Loan
Dù thể hiện sự thân tình và cởi mở đầu cuộc gặp, Tổng thống Biden đã nêu ra một số vấn đề gai góc trong cuộc hội đàm ba giờ, theo thông cáo của Nhà Trắng.
Ông Biden phản đối các hành động "cưỡng ép và ngày càng quyết liệt" của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Tổng thống Mỹ cho rằng điều này làm suy yếu nền hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đe dọa thịnh vượng toàn cầu.
Đáp lại, Chủ tịch Tập khẳng định vấn đề Đài Loan là "điều trọng yếu trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc", và là "lằn ranh đỏ" không thể xâm phạm trong quan hệ hai nước.
Ông Biden trấn an Bắc Kinh rằng cam kết của Washington đối với nguyên tắc "Một Trung Quốc" vẫn được duy trì. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ "ngừng bóp méo nguyên tắc này". Tổng thống Mỹ cũng nói rằng bất chấp các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc xung quanh hòn đảo, ông không tin "có bất kỳ nỗ lực nào sắp xảy ra từ phía Bắc Kinh nhằm tấn công Đài Loan".
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Căng thẳng tại eo biển Đài Loan gần đây leo thang khi Trung Quốc tăng cường các đợt diễn tập quân sự trong khu vực sau chuyến thăm hòn đảo hồi tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại. Trung Quốc từng cảnh báo quan hệ giữa nước này với Mỹ "sẽ bị phá vỡ nếu không xử lý đúng cách vấn đề Đài Loan".
Phản đối vũ khí hạt nhân
Nhà Trắng tuyên bố hai lãnh đạo nhất trí rằng "chiến tranh hạt nhân không bao giờ nên xảy ra và không có bên nào chiến thắng", đồng thời nhấn mạnh sự phản đối của họ đối với việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng loại vũ khí này ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ cho biết mặc dù ông Tập từng bày tỏ lo ngại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Nhà Trắng mong muốn Chủ tịch Trung Quốc nhắc lại lập trường này trong cuộc hội đàm.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc hội đàm không đề cập đến mối đe dọa hạt nhân. Thay vào đó, ông Tập nhắc lại sự ủng hộ của Trung Quốc đối với tiến trình đàm phán hòa bình giữa Nga - Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Mỹ, EU, NATO sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán toàn diện với Moskva.
Trung Quốc thời gian qua chủ trương giữ lập trường trung lập đối với chiến sự Nga - Ukraine. Bắc Kinh từ chối tham gia loạt trừng phạt quốc tế nhắm vào Moskva, song liên tục kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang và các bên tìm giải pháp hòa bình. Nước này không hỗ trợ hay cung cấp vũ khí cho Moskva trong chiến dịch quân sự.
Hợp tác trong các vấn đề toàn cầu
Nhà Trắng cũng cho biết hai lãnh đạo đã đồng ý "trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt" để thảo luận về hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như đối phó biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực.
Hai lãnh đạo đã đồng ý để Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh để tiếp tục thảo luận, nhưng hiện chưa rõ liệu sự đồng thuận này có đồng nghĩa Bắc Kinh chấp nhận khởi động lại các cuộc đàm phán vốn đã ngừng trệ về những vấn đề trên hay không.
Trung Quốc và Mỹ được coi là hai quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Vai trò của hai nước cũng rất quan trọng để ngăn chặn một số nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu nghiêm trọng nhất.
"Với tư cách là lãnh đạo của hai quốc gia, chúng ta cần xử lý tốt những khác biệt để cùng nhau hợp tác trong các vấn đề cấp bách trên toàn cầu", ông Biden phát biểu trước cuộc gặp với ông Tập.
Đức Trung (Theo Guardian, WSJ, AP)