BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết một số bệnh truyền nhiễm có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh kể từ khi khởi phát triệu chứng. Bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng chỉ trong vòng 24 giờ hoặc để lại di chứng nặng nề sau khi khỏi bệnh. Bác sĩ Nga đã liệt kê 4 bệnh và biện pháp phòng ngừa chủ động cho người dân.
Viêm màng não mô cầu
Viêm màng não mô cầu là tình trạng màng xung quanh não và tủy sống bị viêm do vi khuẩn não mô cầu. Vi khuẩn lây qua đường hô hấp, giọt bắn, tiếp xúc gần, có thể gây tử vong nhanh trong 4-24 tiếng sau triệu chứng đầu tiên.
Tỷ lệ tử vong do viêm màng não mô cầu lên đến 50% khi không điều trị kịp thời. Nếu được điều trị, tỷ lệ tử vong được ghi nhận khoảng 20%. Bệnh cũng để lại nhiều di chứng khó phục hồi cho người khỏi bệnh như đoạn tay chân, điếc, mù, suy giảm trí tuệ...
Trong khi đó, các triệu chứng ban đầu của viêm màng não mô cầu giống với viêm đường hô hấp thông thường, ví dụ ho, sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn. Do đó, bệnh khó được nhận diện sớm, dễ bỏ qua thời vàng điều trị.
Cách phòng viêm não mô cầu hiệu quả là tiêm chủng. Hiện Việt Nam Việt Nam có ba loại vaccine ngừa não mô cầu, có thể tiêm cho người từ hai tháng tuổi, hiệu quả phòng ngừa đến 95%. Bác sĩ Nga khuyến cáo mọi người nên kết hợp tiêm chủng và giữ vệ sinh họng miệng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng... để phòng bệnh.
Tả
Tả là bệnh lây qua đường phân miệng do ăn, uống phải thực phẩm, nước nhiễm mầm bệnh. Khi xâm nhập vào cơ thể, tả tấn công ruột non gây tiêu chảy cấp, nôn không kiểm soát và mất nước nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có khoảng 1,3-4 triệu trường hợp mắc tả trên toàn cầu, 21.000-143.000 ca tử vong. Hiện bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine, dùng qua đường uống cho người từ hai tuổi. Ngoài ra, mọi người chú ý thức ăn hợp vệ sinh, không uống nước lã, thức ăn ôi thiu, nhiễm bẩn... nhằm tránh mắc bệnh.
Sốt xuất huyết nặng
Sốt xuất huyết là một trong các bệnh truyền nhiễm từ muỗi phổ biến nhất ở người. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, cao điểm thường vào tháng 7-11. Từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã ghi nhận hơn 16.000 ca mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng có giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3-7 ngày kể từ khi biểu hiện triệu chứng đầu tiên. Người bệnh sẽ bị đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, thở nhanh... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị thoát huyết tương dẫn tới sốc sốt xuất huyết, hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp. Người bệnh có thể bị chảy máu và tổn thương tạng nặng.
Hiện, vaccine sốt xuất huyết đã được sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới. Việt Nam chưa có loại vaccine này. Năm 2023, Hệ thống tiêm chủng VNVC ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Takeda, đơn vị sản xuất vaccine sốt xuất huyết, mở ra hy vọng sớm đưa vaccine này về Việt Nam.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tối ưu nhất hiện nay vẫn là không để muỗi đốt, tránh ao tù nước đọng, ngủ màn, mang áo dài tay, tất cao cổ khi đến nơi có nguy cơ bị muỗi đốt.
Nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn
Phế cầu là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm màng não. Khi xâm nhập vào máu, phế cầu có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết gây tử vong trong vòng 12 giờ. Các nghiên cứu về nhiễm khuẩn huyết nói chung ước tính tỷ lệ sống sót giảm 7,6% sau mỗi giờ chậm điều trị.
Vi khuẩn phế cầu lây qua đường hô hấp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy có từ 5- 90% người mang phế cầu không có biểu hiện, đây là nguồn lây bệnh khó kiểm soát.
Do đó, tiêm ngừa là cách phòng bệnh hiệu quả cao, giảm tình trạng lây nhiễm phế cầu. Vaccine phế cầu tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, có thể tiêm sớm khi đủ 6 tuần.
Ngoài ra, mọi người cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh hô hấp chung như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, vệ sinh họng miệng, vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
Nhật Linh