Kiến nghị vừa được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP - chủ đầu tư) gửi UBND TP HCM. Động thái này đưa ra sau khi Sở Giao thông Vận tải hôm 19/11 kiến nghị tạm hoãn dự án Phát triển giao thông xanh ở thành phố (dự án buýt nhanh BRT Số 1) vì cho rằng nhiều yếu tố liên quan chưa đồng bộ, khó đảm bảo hiệu quả khi công trình khai thác hai năm tới.
Buýt nhanh Số 1 ở TP HCM tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, gồm hơn 121 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), còn lại vốn đối ứng thành phố. Để triển khai hiệu quả công trình này, thành phố bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thuỵ Sĩ thông qua tổ chức SECO, với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD. Dự án trên được bổ sung để thực hiện nghiên cứu quy hoạch chung TP Thủ Đức, kết nối trạm dừng BRT và đào tạo nhân lực quản lý, vận hành hệ thống buýt BRT...
Theo chủ đầu tư, qua trao đổi với WB, nếu TP HCM tạm hoãn thực hiện buýt nhanh Số 1, ngân hàng sẽ huỷ dự án và chấm dứt vốn tài trợ. Điều này đồng nghĩa không thể triển khai gói thầu tư vấn tổ chức lại mạng lưới xe buýt ở thành phố từ nguồn này. Việc chấm dứt vốn cho dự án cũng sẽ dừng luôn dự án hỗ trợ kỹ thuật của SECO cũng như chấm dứt ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch chung TP Thủ Đức. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đánh giá việc tạm dừng dự án ảnh hưởng công tác đền bù, tái định cư ở công trình...
Trong 3 kế hoạch được TCIP đưa ra, phương án 1 là thành phố tiếp tục dự án Phát triển giao thông xanh cùng các nội dung, nguồn vốn đã thống nhất với WB và SECO. Theo phương án này, thành phố cần tập trung giải pháp, đảm bảo các điều kiện liên quan để đồng bộ với tuyến BRT Số 1, giúp dự án thành công khi khai thác.
Phương án 2, TP HCM sẽ dừng dự án Phát triển giao thông xanh và chấm dứt, thanh lý 12 hợp đồng tư vấn quốc tế, trong nước cùng các nội dung liên quan. Khi triển khai các gói thầu tư vấn quy hoạch TP Thủ Đức, thành phố sử dụng ngân sách khi đầu tư lại mạng lưới xe buýt.
Phương án 3, thành phố dừng tuyến BRT Số 1 trong dự án Phát triển giao thông xanh, nhưng thương thảo với WB và SECO, tiếp tục dùng vốn của nhà tài trợ để xây dựng mạng lưới xe buýt chất lượng cao (hoặc loại hình vận tải hành khách công cộng phù hợp), với lộ trình kết nối tương tự buýt nhanh Số 1 dự kiến hoạt động. Đây là phương án được TCIP kiến nghị UBND TP HCM lựa chọn.
Khi thực hiện phương án trên, thành phố cũng sẽ đầu tư hệ thống buýt nhánh từ Rạch Chiếc qua các trung tâm đô thị ở TP Thủ Đức; tuyến buýt chất lượng cao kết nối TP Thủ Đức đến sân bay Tân Sơn Nhất; tiếp tục triển khai các gói thầu tư vấn quy hoạch TP Thủ Đức, tổ chức mạng lưới xe buýt... từ vốn của nhà tài trợ.
Theo nghiên cứu, tuyến BRT Số 1 dài 26 km, từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc. Theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dự án đi qua các quận huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP Thủ Đức. Tuyến cũng xây dựng các hạ tầng kỹ thuật kèm theo như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu cuối, bãi hậu cần, hệ thống quản lý hiện đại... Hiện, dự án đã được trình thẩm định các gói thầu xây lắp, dự kiến thi công từ tháng 7/2022 và khai thác cuối năm 2023.
Dự án xây dựng buýt nhanh Số 1 được phê duyệt năm 2013, tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD. Năm ngoái, dự án được điều chỉnh giảm còn 143 triệu USD. Đây là tuyến đầu tiên trong tổng 6 tuyến BRT được quy hoạch ở TP HCM.
Gia Minh