Đề xuất này được đưa ra tại hội thảo nghiên cứu khả thi hệ thống xe buýt nhanh tại TP HCM do Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Koica phối hợp tổ chức ngày 26/12.
8 tuyến BRT tại TP HCM có tổng chiều dài hơn 127 km. Trong đó, ưu tiên xây dựng tuyến số 7 trước vì lượng hành khách đi lại cao do kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất và khu trung tâm của TP HCM (chợ Bến Thành).
BRT có khả năng vận chuyển cao gấp 2-3 lần xe buýt và có chi phí rẻ hơn metro rất nhiều.
Koica cho biết, chi phí xây dựng BRT rẻ hơn rất nhiều so với metro. Tổng chi phí xây dựng cả 8 tuyến BRT khoảng gần 870 tỷ đồng. "Việc nghiên cứu mở các tuyến BRT tại TP HCM cơ bản dựa vào những tuyến đường hiện có và hạn chế mở rộng đường. Vì nếu mở rộng thêm chi phí sẽ rất cao. Đối với những tuyến có đoạn chạy qua trung tâm sẽ để BRT và xe máy đi chung một làn, vì khu vực này nếu mở rộng làn đường chi phí sẽ rất cao", đại diện Koica cho hay.
Để BRT có hiệu quả, nghiên cứu cũng yêu cầu cần phải xây dựng các bãi giữ xe ở xung quanh các bến xe. Tính toán của Koica cho thấy với giá vé 5.000 đồng/lượt hiện nay thì Nhà nước vẫn phải trợ giá.
Theo Koica việc xây dựng hệ thống BRT không chỉ giải quyết được các vấn đề giao thông của TP HCM mà còn có tác dụng giảm thiểu lượng khí thải nhà kính bởi người sử dụng xe máy chuyển sang đi xe buýt và xe buýt BRT sử dụng loại khí nén thiên nhiên CNG.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, từ nay đến năm 2020 TP HCM mới chỉ xây dựng được 2 tuyến metro, các tuyến còn lại gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp. Vấn đề tồn tại của xe buýt hiện nay mà hành khách phản ánh nhiều nhất là không đúng giờ và thời gian di chuyển lâu.
"Đây là bài toán mà BRT phải giải, ở các nước việc áp dụng BRT rất thành công do có làn đường đi riêng còn ở TP HCM 90 % người dân sử dụng xe máy nên việc dành một làn đường riêng cho xe buýt gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều", ông Thanh cho biết.
Tuyến BRT đầu tiên sẽ được xây dựng trên đại lộ Đông - Tây. Ảnh: H.C.
Đối với tuyến BRT số 7 mà Koica đề xuất, ông Thanh cho rằng đoạn từ bến xe An Sương đến Cộng Hòa mặt đường rộng việc xây BRT rất khả thi. Nhưng đoạn từ Cộng Hòa đến Bến Thành mặt đường nhỏ hơn nên khi làm BRT sẽ phải có những đoạn ưu tiên cho xe buýt.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, theo kế hoạch cuối năm 2013 đầu năm 2014 TP HCM sẽ bắt đầu xây dựng tuyến BRT trên đại lộ Đông - Tây (bến xe miền Tây đến khu đô thị Thủ Thiêm). Mục tiêu của TP HCM đến năm 2015 vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại, đến năm 2020 đạt gần 20%.
BRT là loại hình vận tải hành khách công cộng nhiều toa xe chạy bằng bánh hơi trên đường bộ (làn đường riêng), chi phí xây dựng rẻ hơn rất nhiều so với metro. Dự tính, từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ có khoảng 20-25 tuyến BRT, đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đi lại của nhân dân trong khi kinh phí đầu tư chỉ bằng 10% đầu tư tàu điện ngầm. Thời gian thi công nhanh (18 - 24 tháng). Đầu tư BRT chỉ từ 1-2 triệu USD/km, thấp hơn gần 20 lần so với xe điện mặt đất (20 triệu USD/km) và gần 100 lần so với tàu điện ngầm (100 triệu USD/km). Khả năng vận hành của BRT cao gấp 2-3 lần xe buýt thông thường, tiết kiệm thời gian, không bị trùng tuyến và giảm ùn tắc giao thông. UBND TP HCM cũng đã chấp thuận chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng tuyến BRT đầu tiên, lộ trình dài hơn 12 km chạy dọc theo Đại lộ Võ Văn Kiệt thay tuyến xe điện mặt đất số 1. |
Trung Sơn