Trong ba tiếng rưỡi đối thoại trực tuyến được Nhà Trắng mô tả là "tôn trọng, thẳng thắn và cởi mở" hôm 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể cho những điểm nóng trong quan hệ song phương.
Không có quyết định đảo ngược chính sách nào được công bố sau cuộc họp. Theo chia sẻ sau cuộc họp của một quan chức cấp cao Nhà Trắng, "khác biệt trong thế giới quan giữa hai lãnh đạo chẳng còn là điều gì bí mật".
Mỹ từ đầu cũng không kỳ vọng quan hệ song phương sẽ bước sang chương mới chỉ sau một cuộc họp, nhấn mạnh điều quan trọng là hội nghị giúp hai chính phủ vạch rõ lằn ranh trong quan hệ và tránh xung đột. Kỳ vọng đó được thể hiện ngay trong những lời đầu tiên của Tổng thống Mỹ ở cuộc họp.
"Chúng ta cần thiết lập những hàng rào an toàn hợp lý, nói rõ ràng và chân thành những gì không đồng tình, và phối hợp ở những vấn đề chung lợi ích", Tổng thống Biden phát biểu. "Diễn tiến mối quan hệ này có tác động to lớn không chỉ với hai nước mà cả phần còn lại của thế giới".
Thông điệp đồng thuận duy nhất được phát đi sau hội nghị là cạnh tranh Mỹ - Trung không được leo thang thành xung đột "dù có chủ đích hay ngoài ý muốn", theo lời Tổng thống Biden.
"Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng. Nhân loại như một ngôi làng toàn cầu và chúng ta phải cùng nhau đối diện thách thức. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường liên lạc và hợp tác", ông Tập chia sẻ trong phần mở đầu cuộc họp.
Lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh quan hệ Bắc Kinh - Washington ổn định là điều kiện cần thiết cho môi trường hòa bình quốc tế. "Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng thắng", ông nói.
Tuy nhiên, thông cáo từ Washington và Bắc Kinh, cũng như những gì được quan chức hai nước tiết lộ sau cuộc họp cho thấy Mỹ - Trung vẫn tồn tại nhiều khác biệt sâu sắc trong hàng loạt vấn đề.
"Có vẻ cả hai bên đều không muốn căng thẳng vượt kiểm soát, nhưng họ không sẵn sàng nhượng bộ lập trường của nhau", Jan Ian Chong, chuyên gia an ninh châu Á của Đại học Quốc gia Singapore, bình luận.
Vấn đề Đài Loan là minh chứng cho thấy hai bên chưa thể thống nhất lập trường về điểm nóng an ninh này, mà chỉ có thể vạch ra giới hạn cho nhau. Trong thông cáo chính thức ngày 16/11, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden kiên quyết phản đối mọi hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan.
Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ với nguyên tắc "Một Trung Quốc" trong quan hệ với Bắc Kinh, nhưng không quên nhắc nhở ông Tập rằng Mỹ khó để yên nếu Trung Quốc tái thống nhất hòn đảo bằng vũ lực. Là một trong những thượng nghị sĩ bỏ phiếu tán thành Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Biden "hiểu rõ mọi nỗ lực thay đổi Đài Loan không qua biện pháp hòa bình sẽ tác động sâu sắc đến nước Mỹ", theo Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Trong khi đó, Xinhua dẫn cảnh báo của ông Tập rằng những nhân tố cổ súy độc lập cho hòn đảo "đùa với lửa có ngày bỏng tay".
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và tái thống nhất chỉ là vấn đề thời gian. Ông Tập vạch ra "lằn ranh đỏ" rõ ràng khi nhấn mạnh mọi sự ủng hộ độc lập trên hòn đảo đồng nghĩa với hành vi khiêu khích và Bắc Kinh sẵn sàng "hành động quyết đoán".
Trung Quốc thời gian qua liên tục tổ chức diễn tập không quân và hải quân ở eo biển Đài Loan và xung quanh hòn đảo. Giới lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã vài lần đề cập khả năng thu hồi hòn đảo bằng biện pháp quân sự.
Vài giờ trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung ngày 16/11, cơ quan phòng vệ Đài Loan phát hiện ít nhất 6 máy bay Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không của hòn đảo.
Mối lo ngại về ổn định chiến lược, trong đó có vũ khí hạt nhân, cũng được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Phát biểu trong sự kiện của Viện Brookings hôm qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan thông báo Tổng thống Biden đã nêu vấn đề này với Chủ tịch Tập, nhấn mạnh thảo luận hạt nhân "cần được dẫn dắt bởi các lãnh đạo" thế giới.
Quan ngại tương tự từng được tổng thống Barack Obama trao đổi với Bắc Kinh, bao gồm vũ khí hạt nhân, an ninh mạng và hàng không vũ trụ. Tổng thống Donald Trump khi rút Mỹ khỏi Hiệp định Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga cũng đề nghị Trung Quốc tham gia đàm phán thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới.
Theo Sullivan, vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm là những vấn đề nhạy cảm và có tác động lâu dài, ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia Mỹ. Quản lý hiệu quả vấn đề này là một trong những mục tiêu then chốt khi Washington trao đổi với Bắc Kinh ở cấp cao nhất.
Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm một số tên lửa siêu vượt âm, khiến giới tình báo, quốc phòng Mỹ ngày càng lo ngại. Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về sức mạnh của quân đội Trung Quốc (PLA) cũng ghi nhận nước này đã xây thêm hàng trăm hầm chứa tên lửa xuyên lục địa và đang phát triển thế hệ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới.
"Chúng tôi từng thử nhiều cách giải quyết mối lo ngại này dưới thời Obama, nhưng phía Trung Quốc luôn câu giờ và không đối thoại nghiêm túc", Evan Medeiros, cựu quan chức Nhà Trắng phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Tổng thống Obama, chia sẻ.
Ngoài những nội dung về an ninh quốc phòng, quan hệ thương mại song phương cũng "đốt nóng" cuộc họp 3,5 tiếng giữa hai lãnh đạo.
Quan chức Mỹ khẳng định thương mại không chiếm quá nhiều thời gian trong chương trình hội đàm, nhưng vấn đề lợi ích kinh tế được thể hiện rất rõ qua thành phần tham dự cuộc họp. Hình ảnh do Trung Quốc công bố cho thấy ngồi cùng ông Tập ở bàn họp có Phó thủ tướng Lưu Hạc, người chuyên trách đàm phán thương mại với Mỹ. Ở đầu cầu Washington, dự họp với Tổng thống Biden có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Theo thông cáo của Xinhua, ông Tập yêu cầu Washington không chính trị hóa quan hệ kinh tế và phản đối Mỹ sử dụng công cụ an ninh quốc gia để gây áp lực lên các công ty Trung Quốc.
"Mỹ nên ngưng lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia nhằm chèn ép doanh nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ cần duy trì liên lạc về chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế thế giới, bảo vệ hai nước trước những rủi ro kinh tế và tài chính", ông Tập lưu ý.
Trong khi đó, Tổng thống Biden tái khẳng định trọng tâm nhiệm kỳ là bảo vệ người lao động và các ngành kinh tế Mỹ trước "các hành vi thương mại và kinh tế không công bằng" của Trung Quốc.
Ông nhắc nhở Bắc Kinh thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một, được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại song phương. Giới chuyên gia đã cảnh báo Trung Quốc trong năm nay khó hoàn thành toàn bộ cam kết mua hàng hóa Mỹ được quy định trong thỏa thuận Giai đoạn Một.
Một số nguồn thạo tin tiết lộ Tổng thống Biden đã đề nghị Trung Quốc hợp tác mở kho dự trữ dầu thô, giúp ổn định thị trường dầu thô thế giới đang biến động mạnh. Vấn đề này được đề cập hai ngày trước cuộc họp, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Các cơ quan chuyên trách năng lượng của hai nước đang đàm phán chi tiết thỏa thuận.
Chính quyền Biden đang chịu nhiều áp lực tái cân nhắc chính sách năng lượng khi lạm phát vượt 5% trong nửa năm qua. Mỹ đã đề nghị Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh tăng sản lượng dầu thô nhưng bị từ chối.
Trả lời People's Daily ngày 16/11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong ca ngợi cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo "mang tính xây dựng và hiệu quả". Ông không đề cập những khác biệt lập trường sâu sắc, mà tập trung vào cam kết của Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ nhằm tránh xảy ra Chiến tranh Lạnh mới giữa hai cường quốc.
Ông Tạ lưu ý xây dựng "hàng rào an toàn" cho quan hệ song phương, như cách gọi của Tổng thống Biden, đòi hỏi "sự tham vấn bình đẳng, đồng thuận và cùng tuân thủ từ cả hai nước, thay vì một bên đặt ra điều kiện và yêu sách cho bên còn lại".
Trung Nhân (Theo Washington Post/ NY Times/ SCMP)