Một ngày đầu tháng 5 ngay trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Nguyễn Tuấn (22 tuổi) lên xe đạp thể thao đi xuyên Việt, thực hiện ước mơ ấp ủ từ thời trung học. Chuyến đi được Tuấn giữ bí mật với mọi người. Trước đó, mẹ đã nhiều lần can ngăn anh nhưng lần này thấy con quyết tâm, bà dặn dò cẩn thận, tới điểm dừng chân nào thì đăng hình ảnh lên mạng xã hội để mẹ yên tâm. Còn bố Tuấn thì ủng hộ con thực hiện đam mê tuổi trẻ và cho anh thêm lộ phí.
Nhà là một điểm dừng chân trong chặng đầu tiên gồm Hà Nội - Hải Dương - Thái Bình - Thanh Hóa của Tuấn. Nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau anh tiếp tục lên đường. Men theo quốc lộ 1 đến Cà Mau, tuyến đường được Tuấn chia thành 4 chặng nhỏ. Mỗi điểm cuối chặng là nơi anh dừng một ngày để khám phá các điểm du lịch, thưởng thức món ăn ngon.
Cụ thể, chặng 2 Tuấn đạp xe qua Vinh (Nghệ An) - Kỳ Phương (Hà Tĩnh) - đèo Ngang (Hà Tĩnh - Quảng Bình) - biển Đá Nhảy, biển Lệ Thủy (Quảng Bình) và Huế. Chặng 3 gồm đầm Lập An (Huế) - đèo Hải Vân - Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ (Quảng Nam) - An Nhơn (Bình Định) - Tuy Hoà (Phú Yên) - đèo Cả - Nha Trang. Chặng thứ 4 gồm Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) - đèo Khánh Lê - Đà Lạt - Bảo Lâm - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - đèo Bảo Lộc - chùa Châu Thới (Bình Dương) - TP HCM. Cuối cùng anh tới Long An - TP Mỹ Tho (Tiền Giang) - Bến Tre - chùa Khmer Âng (Trà Vinh) - Sóc Trăng - nhà công tử Bạc Liêu (TP Bạc Liêu) và mũi Cà Mau.
Tuấn chia sẻ, anh đạp xe xuyên Việt một phần là vì sở thích, một phần vì anh muốn thử sức trẻ trên những cung đường. Ngoài ra, anh cũng muốn lần đầu đặt chân đến những địa danh dọc đất nước theo cách thật đặc biệt. Tuấn cũng từng đi phượt bằng xe máy tới các tỉnh thành miền Bắc cùng bạn bè. Chuyến đi này anh muốn thực hiện một mình vì thời gian kéo dài và không phải ai cũng có cùng đam mê. Trước đó, từ năm học cấp 3 Tuấn đã làm quen với bộ môn đạp xe. Tới đại học anh vẫn thường xuyên đi xe đạp, tới chỗ làm thêm là một cửa hàng bán xe đạp, với tổng quãng đường khoảng 20 km mỗi ngày.
Trên đường đi, kỷ niệm đáng nhớ nhất của Tuấn là băng đèo Hải Vân, để tới Đà Nẵng. Khi đứng dưới chân đèo vào 17h30 để nghỉ ngơi trước khi đi tiếp thì anh được người dân can ngăn, vì đi xe đạp sẽ không thể qua đèo tối nay. Nghe vậy, khí thế của Tuấn lại càng dâng cao, quyết tâm đối diện với 11 km đường lên dốc và 10 km đổ đèo. Nhiều lúc không đủ sức đạp, anh vừa đẩy xe bộ vừa hát để quên mệt mỏi. Thỉnh thoảng anh quay về phía sau để xem mình đã đi bao xa, trong lòng nghĩ đến việc không vượt đèo thành công thì quay lại để tìm chỗ nghỉ. Hơn 3 tiếng vừa đi bộ, vừa đạp xe thành công qua đèo, anh không giấu nổi niềm vui sướng mà hét lớn, chân tay khua loạn xạ, theo lời anh khi đó thấy mình như "khỉ xuống núi".
Hay nhiều lần khác Tuấn đi lạc, trời tối mà xung quanh không có nhà nghỉ hay điểm dừng chân nên phải ngủ "bụi" ven đường, tuy nhiên anh cho rằng mình vẫn may mắn vì không gặp cướp, tai nạn như những gì tưởng tượng. Khó khăn lớn nhất đối với Tuấn là khi qua những cung đường miền Trung, cái nắng, cái gió tạt rát da thịt.
Tất cả những khó khăn phải đối mặt, theo lời Tuấn là rất xứng đáng để có những trải nghiệm "có một không hai" trong đời. Như lần được thưởng thức món yêu thích nhất là bún bò Huế ở đúng đất Huế, ăn mì Quảng ở Quảng Nam, uống dừa xiêm tại Bến Tre... "Những điều trên có thể nghe thật bình thường nhưng với người lần đầu tiên được đặt chân đến các tỉnh, thành trên thì là một kỷ niệm rất khó phai", Tuấn nói.
Trong hành trình 23 ngày, anh cũng được trải nghiệm những lần đầu tiên như đi phà, uống nước suối, tự thay xăm xe đạp hay vào nhà nghỉ, nhà hàng mặc cả 5.000 - 10.000 đồng để tiết kiệm lộ phí. Quãng đường từ TP HCM vào Cà Mau, ngày nào anh cũng gặp mưa, khiến xích xe đạp khô dầu khó đi và mắt kính ướt nhèm .Ngày tới gần cột mốc Cà Mau hình con thuyền, Tuấn vì quá háo hức mà chạy đến chụp ảnh, rồi trượt chân ngã do đường trơn. Anh vừa cười vừa nói: "Đây cũng là lần tiên bị đổ máu trong hành trình, xước hết tay".
Tuấn cho biết một trong những câu nói mình thích nhất là "Tuổi trẻ, hãy cứ đi khi còn có thể. Chưa đi làm sao biết mình không thể". Vì vậy chuyến đi đã giúp em thực hiện một phần ước mơ của tuổi trẻ, được đi trên phương tiện mình yêu thích, ngắm cảnh đẹp của chính đất nước mình.
Lan Hương
Ảnh: NVCC