Lê Ngọc Hân (1998), đang làm giáo viên tiểu học và là một travel blogger sống tại Bắc Giang, bắt đầu những chuyến đi của mình từ khi còn là sinh viên năm thứ hai. Điểm đến đầu tiên trong hành trình "đi phượt" của cô giáo tương lai là Sa Pa và sau đó không lâu là Hà Giang. Hân chia sẻ, cảm giác đi phượt trên những cung đường cùng mây, núi đã khiến cô bị "nghiện", từ đó thổi bùng ngọn lửa xê dịch trong cô một cách mạnh mẽ.
Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Ngọc Hân đã tìm hiểu và hâm mộ nhà văn Nguyễn Tuân. Chủ nghĩa xê dịch và chút ngông của ông đã hình thành trong cô khao khát muốn được đi khắp nơi để chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của đất nước. Sau 3 năm, Hân đã đặt chân tới 28 tỉnh thành. Trong đó, chuyến đi dài ngày nhất là 15 ngày khám phá Sa Pa và Y Tý mùa lúa chín, ngắn nhất là xuyên 4 tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương vỏn vẹn 1 ngày.
Đối với Hân, một giáo viên mới vào nghề cần phải học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn rất nhiều. Ngoài công việc chính, làm một travel blogger hỗ trợ cô gái trong việc giảng dạy. "Có những thứ mình không chỉ biết qua sách giáo khoa, giáo án hay những đoạn video lấy trên mạng. Bản thân những thứ mình đã trải nghiệm và tận mắt thấy rồi thì có thể mở rộng và cung cấp nhiều thông tin hơn cho các em, khiến bài học sinh động hơn và giúp các em tò mò và yêu non sông nước mình", Hân chia sẻ về những lợi ích khi là một travel blogger.
Những chuyến đi đã để lại cho cô giáo trẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ, có những lúc khá "liều". Hân nhớ lại lần mình đi xứ "hoa vàng trên cỏ xanh" Phú Yên thì gặp mưa bão, phải mặc 5 cái áo, lần vì nhớ Hà Giang quá nên bắt ôtô lên một mình, rồi phải xuống xe giữa chừng xe ôm đi tiếp hơn 200 km tới Đồng Văn. Nhưng lần đáng nhớ nhất với Hân là tại Cô Tô. Khi mọi du khách về hết vì tình hình bão tại đảo, Hân và bạn mình vẫn quyết tâm khởi hành vì "cuồng chân quá". "Đi du lịch mà vắng hoe, một mình một biển. Người ta mặc đồ bơi còn chúng mình thì mặc áo mưa đi ngắm biển khi nhà nào nhà nấy đang lấy bao cát lên mái để ngăn gió to. Dân địa phương ai cũng thấy hai đứa khó hiểu. Tuy vậy, chính những giây phút này lại gần gũi và làm quen người dân được nhiều hơn. Trải nghiệm 5 ngày 4 đêm nhưng do mưa bão nên cũng không có gì để làm, được nghe mọi người kể chuyện trên đảo, những truyền thuyết và các câu chuyện truyền miệng. Nghĩ cũng buồn cười, chỉ vì cuồng chân mà bất chấp quá", Hân mỉm cười khi nhớ lại những lần cố chấp để du lịch.
Cô giáo trẻ thường dành trọn cuối tuần cho những chuyến đi để giải toả áp lực sau một tuần làm việc căng thẳng. Song từ khi làm giáo viên, thời gian cho việc xê dịch cũng bị ảnh hưởng. Hân kể, cô đã đi Đà Lạt 2 ngày 1 đêm và rút kinh nghiệm đi nhiều ngày hơn cho các chuyến đi sau, do thời gian quá ít để trải nghiệm mọi thứ mà lại tham địa điểm. Những chuyến đi dài ngày hơn, Hân để dành đến dịp nghỉ hè hoặc dịp lễ, Tết. "Thật ra dành thời gian để thoả mãn đam mê không hề khó, chỉ là bạn có thật sự muốn và đam mê đó có thật sự thôi thúc bạn hay chưa thôi", Hân tâm sự. Một chuyến đi của cô gái thường không tốn quá nhiều tiền. Các địa điểm gần như Mộc Châu, Tà Xùa, Ba Vì... thường mất chưa tới 1 triệu đồng. Các địa điểm xa hơn như Sa Pa, Hà Giang thì trên 1 triệu đồng. Các chuyến đi xa hơn bằng máy bay thì cao hơn.
Sau những chuyến du lịch, Hân lại trở về là một nhà giáo truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Đi khắp nơi, song cô gái luôn nhớ về học trò, hay mua đồ ăn vặt về cho các em.
Ngoài đăng ảnh trên Facebook cá nhân, Hân còn có một trang blog du lịch và TikTok lấy danh xưng "Cô giáo đi Phượt". Hân chia sẻ, các em học sinh hay lướt TikTok và dùng Facebook của bố mẹ để tìm kiếm tên cô giáo. Vào giờ giải lao, các em hay xúm lại để hỏi và tò mò về cô mình rất nhiều. "Các bạn nhỏ cứ nghĩ ra nơi nào là lại hỏi cô đã đến đây chưa, ở đó có gì hay ho thú vị? Cô chơi thử trò này chưa? Có bạn lại bày tỏ muốn sau này được đi nhiều như cô. Các em hay lên "thả tim" cho TikTok của cô, hay gào nhau "Cô Hân idol TikTok đấy!" mà mình thấy vừa dễ thương vừa buồn cười", Hân bật cười khi nhớ về những em học trò nhỏ của mình.
Hân chia sẻ, phụ huynh các em không hà khắc và thậm chí còn động viên cô, "còn trẻ cứ đi nhiều cho biết". Theo cô, xã hội thì luôn có nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, người thì có lời lẽ trêu đùa, song như Hân chia sẻ "bản thân mình biết mình đang làm gì và không sai trái. Sống hết mình với đam mê nhưng không làm ảnh hưởng tới công việc là được". Trong tương lai, dự định của cô gái trẻ là được khám phá hết 63 tỉnh thành trước khi lập gia đình.
Trung Nghĩa