Từ bỏ công việc văn phòng có thu nhập ổn định ở Hà Nội tháng 3/2018, cô gái 23 tuổi người Hải Phòng trở về phòng trọ, sắp xếp 15 kg hành lý đi du lịch bụi. Bắt đầu từ những hành trình trong nước tới Ninh Bình, TP HCM... cô tiếp tục với Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc...
Trang chia sẻ, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, với áp lực "con gái tỉnh lẻ", cô luôn suy nghĩ phải kiếm thật nhiều tiền nhưng không tiêu mà để tiết kiệm. Có khoảng thời gian cô nhận 4-5 công việc cùng lúc, chủ yếu là viết nội dung quảng cáo, cộng tác với báo điện tử. Để đảm bảo không trễ hẹn công việc, cô không ngủ đủ giấc, đôi mắt khô căng vì làm việc và nhiều lần bật khóc trên xe bus khi tan làm vì quá mệt mỏi.
Sau những lần được trò chuyện, làm việc cùng nhân vật truyền cảm hứng, blogger du lịch, cô nhận ra tuổi trẻ thật phí hoài nếu chỉ quanh quẩn bên công việc và đồng tiền. Khi còn sức khỏe, thời gian, Trang muốn ra ngoài, tìm hiểu thế giới và chính bản thân mình, vì vậy cô lựa chọn thành "kẻ thất nghiệp" để lên đường và thứ cô có được từ các chuyến đi chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
600 ngày đi bụi
Trong 2 năm, Trang đặt chân tới 47 tỉnh, thành trong nước và 9 quốc gia khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Trong đó, cô đến Thái Lan 12 lần, Trung Quốc 6 lần và Đà Nẵng 11 lần. Cô cho biết, việc quay trở lại một nơi nhiều đến vậy là vì ấn tượng bởi văn hóa, ẩm thực hoặc ở đó có những người bạn địa phương.
Trang chia sẻ, hầu hết các chuyến đều độc hành, một số khác đi cùng bạn bè hoặc người thân trong gia đình, vì ít ai sẵn sàng dành thời gian, tài chính để đi cùng cô. Mỗi lần đi nước ngoài, cô ở từ vài ngày đến vài tuần rồi quay về Việt Nam, đi các tỉnh trong nước rồi mới tiếp tục ra nước ngoài.
Để có khoảng 600 triệu đồng duy trì các chuyến đi, Trang đã sử dụng đến khoản tiết kiệm suốt 2 năm làm việc, đồng thời nhận thêm công việc trực tuyến để có thể vừa đi, vừa làm. Trước những chuyến đi dài ngày, cô cũng gửi riêng một khoản tiết kiệm để phòng khi không có công việc trong 1-2 tháng.
"Nhiều người nghi mình làm việc bất chính hoặc là con nhà giàu nên mới có kinh phí để du lịch nhiều đến vậy nhưng bí quyết duy nhất của mình là tiết kiệm và có khoảng nghỉ để làm việc", cô nói. Phần lớn các chuyến đi của cô đều tối giản đúng chất đi bụi, chỉ duy nhất một lần đi cùng gia đình với khoảng 27 triệu đồng.
Trước khi đi cô thường lên kế hoạch trước vài tháng để giảm tối đa rủi ro trong hành trình dài. Cô đặt vé máy bay trước 3-6 tháng, chọn nơi ở là những phòng tập thể rẻ nhưng an toàn, được nhiều đánh giá tốt và điểm trên các trang đặt phòng trực tuyến trên 7,2 điểm. Ngoài ra là tìm hiểu kỹ về các điểm đến, thời tiết, luật hàng không và mang theo một số loại thuốc cần thiết.
Trang chia sẻ, trong 600 ngày cô trải qua nhiều biến cố và kỷ niệm vui. Chuyến đi Bangkok của gia đình năm 2019 là một ví dụ. Vì tàu điện đông đúc mà bố cô bị lạc giữa nơi "đất khách". Trong nhiều tiếng hoảng sợ vì lạc mất bố, Trang được nhiều người tận tình giúp đỡ, nhân viên ở các ga tàu cũng giúp kiểm tra camera an ninh để xem hướng bố cô di chuyển nhưng vô vọng. Đến khi cô kiểm tra tin nhắn Facebook từ một người lạ, mới biết bố đang ở cùng một nhóm người Việt và đang đợi cô tới đón.
"Lúc ấy nhìn thấy ảnh bố với chiếc áo hoa quen thuộc mà suýt khóc, khi gặp rồi được nghe kể bố đã tìm đường bằng câu nửa Anh, nửa Việt "Ai em Việt Nam. Tao đi lạc" thì phì cười", Trang kể.
Biết bao lần Trang cũng gặp những tình huống "thót tim" khác như hỏng xe giữa giông bão trên đường đi Mũi Điện (Phú Yên), dắt bộ 10 km rồi được người dân địa phương cứu giúp; hay mất điện thoại ở Đài Loan, được cảnh sát giúp ngay trước giờ lên máy bay. Dù có nhiều lúc hoảng sợ nhưng Trang luôn tâm niệm "Việc gì bắt buộc phải xảy ra thì không ngăn được. Chỉ mong nó nhẹ nhàng và giải quyết được".
Trong các quốc gia từng đến, Trang cho biết Thái Lan là nơi có nhiều kỷ niệm đẹp và những "lần đầu tiên" nhất. Vốn ngoại ngữ không quá tốt, giao tiếp với mọi người khó khăn nhưng cũng không phải rào cản để cô kết bạn. Ở xứ sở chùa Vàng, Trang lần đầu được thấy 4.000 đèn trời bay lên cùng lúc trong lễ hội Yi Peng ở Chiang Mai, mà ngỡ như một giấc mơ. Hay lần khác khi đến tỉnh Udon Thani, cô được nghe những câu chuyện đầy tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi người dân bản địa.
Trang chia sẻ, trong hành trình cô cũng gặp được rất nhiều người bạn mới, cả người Việt và người nước ngoài, hầu hết đều giữ liên lạc và trở thành bạn thân. Thừa nhận mình trước đây sợ và ngại người Tây, khó tính với người lạ nhưng nay đã cởi mở hơn nhiều. "Sợ Tây, ngại Tây và khó tính với người lạ" là những gì Trang mô tả về bản thân trước chuyến đi, còn giờ đây cô cảm thấy mình đã cởi mở hơn nhiều.
Càng đi, cô càng nhận thấy mình có nhiều khuyết điểm như dễ nổi cáu với bạn đồng hành, ghét việc người khác xảy ra sự cố, không kiên nhẫn khi phải chờ đợi, sợ hãi trước những thiên tai và tình huống hiểm nguy hiểm. Nhưng tất cả đã được sửa đổi, Trang của 600 ngày đi bụi đã gan dạ, hòa đồng và kiên nhẫn hơn.
Vì dịch Covid-19, Trang phải tạm dừng đi nước ngoài, vì vậy cô tiếp tục đam mê xê dịch với chuyến đi xuyên Việt. Cô cho biết khi dịch bệnh được kiểm soát, cô sẽ tiếp tục hành trình vì quan niệm "Có năng lực để thực hiện đam mê, thì tại sao không làm ngay và luôn mà phải đợi tới sau này, khoảng thời gian vô định mà chẳng ai biết trước".
Lan Hương