Gia đình anh Minh Trí (29 tuổi, trú tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) vừa hoàn thành chuyến đi cắm trại ở một vài địa điểm trong tỉnh trên "căn nhà di động" của mình. Các thành viên đều rất thích thú và hài lòng. Thay vì phải đặt phòng khách sạn, tìm hàng ăn, sắp xếp lỉnh kỉnh đồ đạc, nay cả nhà có thể nghỉ ngơi, ngủ đêm, nấu ăn... trên xe.
Hoàn thiện chiếc xe với tiện nghi như ở nhà là điều anh Trí ấp ủ từ 2 năm trước. Sau nhiều ngày tìm hiểu, tham khảo cách làm xe trên mạng, tháng 4/2021, anh Trí mua một chiếc xe tải Isuzu đời 2021 với giá lăn bánh là 605 triệu đồng. Anh đặt thêm gỗ, sắt, thiết bị để làm phòng ngủ, tủ, phòng vệ sinh trên xe. Anh cho biết, 95% ý tưởng và thi công đều do anh tự thực hiện, vì quan niệm phải tự làm mới biết cách sửa nếu có trục trặc trên các hành trình.
Bên cạnh các phòng cơ bản, xe có đầy đủ máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt sấy, bếp nấu và các vật dụng nhỏ như gia vị, giấy, chăn, màn... Các thiết bị ưu tiên loại nhỏ gọn, sắp xếp và cố định trong các hộc tủ để an toàn khi di chuyển. Tổng chi phí để hoàn thành "ngôi nhà di động" là khoảng 950 triệu đồng (gồm cả tiền xe), trong đó 130 triệu đầu tư cho hệ thống điện.
Lắp đặt hệ thống điện nước là khó khăn nhất với anh Trí. Trước đó khoảng một năm, anh đã đặt mua 4 tấm pin năng lượng mặt trời về để thử sử dụng hàng chục lần với các thiết bị điện, trước khi lắp đặt trên nóc xe. Ngoài ra, anh mua thêm bộ biến tần năng lượng mặt trời, để chuyển đổi dòng điện và sử dụng linh hoạt các thiết bị 220V, 12V.
Bên dưới gầm xe là hai chiếc bồn chứa, một để chứa chất thải, một để chứa nước dự trữ sinh hoạt. Nước bơm đầy bồn là khoảng 500 lít. Để bồn không chòng chành khi di chuyển, anh kê thêm nhiều đệm mút ở 4 góc và cố định nhiều dây thép.
"Mình chọn xe tải để có chỗ rộng rãi cho gia đình 4 người sinh hoạt và sau này có thể sử dụng để giao hàng trong công việc kinh doanh xe đạp. Mình đặc biệt chú trọng đầu tư phần điện để xe có thể hoạt động trơn tru và tiện nghi nhất cho các con", anh Trí nói. Nhược điểm duy nhất của chiếc xe, theo lời anh Trí là phần ghế lái không được thoải mái như xe riêng, xe chở khách 16 chỗ.
Chiếc xe được đăng ký không kinh doanh (biển trắng), có thể chở hàng với trọng tải dưới 1,9 tấn. Trong quá trình thiết kế, anh Trí không cơi nới, cải tạo thùng xe nên vẫn đúng với quy định đăng kiểm. Chiếc xe anh đặt mua có buồng lái dành cho 3 người lớn, để các thành viên ngồi khi di chuyển để đảm bảo an toàn.
Anh Trí cho biết cuộc sống hiện đại, phố xá xung quanh nhà cửa cao tầng san sát khiến trẻ có ít không gian để khám phá, chơi đùa, nhiều trẻ thường phải giải trí bằng TV, điện thoại di động. Vì vậy anh muốn đưa con ra ngoài thường xuyên để con tìm hiểu thế giới tự nhiên, gặp gỡ bạn bè. Đặc biệt trong gần 2 năm khi dịch Covid-19 xuất hiện, gia đình anh đã phải hủy nhiều chuyến du lịch. Cuộc sống gò bó với công việc và 4 bức tường nhà đã thôi thúc anh hoàn thành "ngôi nhà di động". Trong Covid-19, chiếc xe đáp ứng nhu cầu du lịch mà hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác.
Anh Trí hiện thiết kế ở hai bên vách thùng xe hình hoa sen đặc trưng của Đồng Tháp và dự định sẽ cùng gia đình phượt xuyên Việt khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Gia đình sẽ lái thêm một chiếc xe bán tải, để sử dụng khi cần trèo đèo, lội suối và đi sâu hơn trong những cánh rừng.
"Các chuyến đi không chỉ giúp gia đình gắn kết mà còn cho các con thêm kinh nghiệm, bài học sống. Đặc biệt khi dịch Covid-19 qua đi, mình càng cần trân quý những khoảng thời gian bên nhau, khám phá thiên nhiên cảnh đẹp đất nước", anh Trí chia sẻ.
Lan Hương