Khi công việc kinh doanh sản xuất thuận lợi, hơn 10 năm nay ông Trung (54 tuổi) với danh hiệu "Nông dân giỏi" đã chuyển về công tác tại Hội nông dân phường. Hàng chục năm dãi dầu mưa nắng nuôi cá đã giúp ông Trung tích cóp được một khoản tiết kiệm, mà ông gọi là khoản dưỡng già, và thực hiện tâm nguyện.
Đầu năm 2020, khi Việt Nam vừa kiểm soát được đợt dịch Covid-19 đầu tiên, ông Trung mang chiếc xe Future đời 2009 đi sửa, bắt đầu hành trình xuyên Việt. Hành trang mà ông mang theo vỏn vẹn vài bộ quần áo, hai đôi giày, một bộ đồ nghề sửa xe, xăm dự trữ.
Xuất phát từ TP Biên Hòa, Đồng Nai, ông chạy thẳng tới Đà Lạt (Lâm Đồng) nghỉ một đêm. Những ngày sau vượt đèo Khánh Lê tới Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa, Quy Nhơn. Vì yêu thích núi rừng ông chọn đường Trường Sơn ra tới Quảng Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình. Gần đây nhất là vào tháng 3-4/2021, ông có chuyến đi thứ tư.
Mỗi lần ông chọn cung đường khác nhau để đến đủ 63 tỉnh, thành Việt Nam. Tuy nhiên không phải chuyến đi nào cũng thành công và thuận lợi. Tháng 5/2020 khi ông đang đi tới Quảng Ngãi thì dịch bùng phát ở Đà Nẵng. Dù không ghé thăm thành phố "đáng sống nhất Việt Nam", ông vẫn không được qua chốt kiểm dịch trên đèo Hải Vân. Chiều muộn, ông được người dân chỉ đường để kịp đến TP Huế nghỉ trước khi tối. Do đường nhỏ khó đi, ông bị lạc và phải ngủ lại trong rừng, khi trên người chỉ có đèn pin, nước uống. May mắn sáng hôm sau khi thức dậy, ông được người địa phương hỗ trợ đẩy xe ra đường quốc lộ. Lo ngại dịch bệnh, ông trở lại Quảng Ngãi thăm đảo Lý Sơn rồi kết thúc hành trình, quay về nhà.
Những kinh nghiệm phượt xuyên Việt tuổi U60
Với ông Trung, hành trang không thể thiếu trong mỗi chuyến đi là sự gan dạ, bình tĩnh và sức khỏe. Trước đó, ngoài làm nghề nông đã quen với sương gió, ông còn yêu thích bộ môn bơi, đá bóng nên ít bị ốm vặt. Dù trong các chuyến đi có đôi lần gặp những sự cố như hỏng xe, lạc đường nhưng theo lời ông, tất cả đều không đáng sợ bằng cái lạnh miền Bắc, mà ông được trải nghiệm trong chuyến đi cuối năm 2020.
Ông cho biết mỗi ngày chỉ đi tối đa khoảng 400 km, mỗi tiếng lại dừng để người và xe cùng nghỉ. Ban ngày ông đi rừng, ghé thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử rồi tối sẽ tới trung tâm thành phố, huyện của tỉnh để nghỉ ngơi. Đây cũng là lúc ông mở bản đồ trực tuyến trên điện thoại nghiên cứu cung đường cho hôm sau. Ngoài ra, để giữ sức khỏe tốt ông cũng ăn các món đặc sản của địa phương.
Mỗi chuyến đi của ông Trung kéo dài một tháng và chi phí khoảng 15-20 triệu đồng. Ông cho biết kinh phí không phải là rào cản cho mỗi chuyến đi vì tiền ít hay nhiều sẽ có cách trải nghiệm khác nhau, miễn sao tự biết cân đối với tài chính của mình và tận hưởng niềm vui.
Ông thổ lộ mỗi chuyến đi của mình đều độc hành vì sẽ không đủ sức nếu đi cùng con trẻ, mà bạn cùng tuổi lại không có thời gian, đam mê giống ông. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ thấy cô đơn trong hành trình vì ở các điểm du lịch luôn có người chụp ảnh, trò chuyện cùng ông. Dung lượng bộ nhớ điện thoại không nhiều, ông lập một tài khoản Facebook và chia sẻ hình ảnh lên các hội nhóm để lưu trữ. Cũng từ đây ông được gặp nhiều người bạn cùng đam mê, mời ông tới nhà dùng cơm ở Huế, Bắc Ninh...
Qua các chuyến đi, ông không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của đất nước mà còn cảm thấy được sự sẻ chia, giúp đỡ của đồng bào trên khắp hành trình. "Tôi đã hoàn thành và sẽ tiếp tục các chuyến đi khi còn đủ sức khỏe và tài chính. Được lái xe tới Hà Giang và huyện Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên), với xung quanh là núi rừng hùng vỹ, con đèo hiểm trở là trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi mà nhiều người cùng tuổi không thấy được", ông cười và nói.
Lan Hương