"Tôi sống và làm việc ở Nhật 15 năm, thấy rằng câu cửa miệng của người lao động Việt là luôn tự hào 'mình thông minh, nắm bắt công việc nhanh'. nhưng thực tế lại không phải vậy. Tính kỷ luật là điều cốt lõi để nâng cao năng suất lao động nhưng người Việt lại thực hiện kém nhất. Làm việc trong môi trường công nghiệp chuyên nghiệp, mọi thao tác cần phải theo quy trình nhưng nhiều người lại 'sáng tạo' để đánh cắp công đoạn theo kiểu khôn lỏi.
Ngoài ra, nhiều người thường xuyên nghỉ làm, nhảy việc, không tôn trọng cấp trên... Đó là những nguyên nhân khiến năng suất lao động của người Việt thấp. Do đó, chúng ta nên thừa nhận để thay đổi chứ đừng nên ôm cái suy nghĩ người Việt thông minh rồi đổ lỗi cho doanh nghiệp. Thông minh thì tốt, nhưng nên nâng cao tính chuyên nghiệp, kỷ luật".
Đó là chia sẻ của độc giả Minh November xung quanh câu hỏi "Vì sao lao động Việt mang tiếng năng suất thấp?". Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 64% trong giai đoạn 2010-2020, nhanh hơn tất cả quốc gia cùng khu vực. Tuy nhiên, số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy, năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam đạt 6,4 USD, chưa bằng 1/2 Thái Lan (14,8 USD) và 1/10 Singapore (68,5 USD).
Đồng quan điểm, bạn đọc LHP chỉ ra vấn đề ý thức làm việc kém của phần lớn lao động Việt: "Chính cái tiềm thức đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người lao động Việt là nguyên nhân khiến năng suất lao động của chúng ta thấp. Nhiều người luôn luôn muốn tăng lương, giảm giờ làm, lúc nào cũng kêu ca vì việc nặng, lương thấp... Trong khi đó, họ luôn làm việc lơ là, muốn ngồi chơi hơn là cống hiến. Chỉ một bộ phận rất nhỏ người lao động có đủ tâm huyết làm việc, dù họ bắt đầu với kiến thức gần như bằng không. Nhờ sự có gắn bó lâu dài, rất nhiều người đã thay đổi được số phận".
>> 'Đồng nghiệp đi làm chỉ lo ăn sáng, uống cà phê, nhận hàng từ shipper'
Trong khi đó, với cái nhìn khác về câu chuyện năng suất lao động của người Việt, độc giả Doan Viet Anh cho rằng nguyên nhân nằm ở mức lương thấp và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng của các doanh nghiệp: "Đến giờ này sao nhiều người vẫn đánh đồng năng suất lao động với ý thức và kỹ năng của cá nhân người lao động? Năng suất lao động trước giờ vẫn luôn là thứ chịu tác động của rất nhiều yếu khác: tiền lương, đào tạo, môi trường làm việc, kỷ luật lao động, công cụ lao động...
Muốn nâng cao năng suất lao động, bắt buộc phải nâng cao tất cả các yếu tố liên quan. Một công nhân làm sao có thể đạt năng suất cao được khi mà lương có vài triệu đồng, con cái không có chỗ gửi, máy móc sản xuất thô sơ và kém an toàn, đã xa quê mà nhà trọ thì chật chội, nóng nực, lại nhấp nhổm lo bị cho nghỉ bất cứ khi nào nếu thiếu đơn hàng...?".
"Trả lương có 5-7 triệu đồng một tháng thì đầu óc người lao động chỉ toàn nghĩ tới 'cơm, áo, gạo, tiền' chứ sao đầu tư, tập trung cho công việc được? Các doanh nghiệp cứ trả lương mỗi tháng tối thiểu 10 triệu đồng xem người lao động có coi đó là bát cơm vàng, bằng mọi giá phải giữ không?
Công ty tôi trước đây cũng mang tiếng lương thấp (mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với công nhân), nên người nghỉ việc rất nhiều. Su khi cải cách lương, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Với người lương cao, yêu cầu cống hiến tốt mới tăng lương thì được, còn lao động phổ thông thì nên có một cú hích để họ cố gắng hết sức", bạn đọc Letsparty nói thêm.
Nhấn mạnh tăng lương là việc cần làm để nâng cao năng suất lao động của người lao động, độc giả Daniel bình luận: "Nếu đi vào tìm hiểu nguyên nhân sâu xa bên phía người lao động sẽ hiểu được tại sao năng suất lao động của người Việt lại thấp. Nói cho cùng, việc lao động là để phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống. Khi mà các nhu cầu tối thiểu như ăn uống, chỗ ở, lo cho con cái... không đáp ứng được thì người ta phải tính đến giải pháp khách.
Người lao động chẳng ai thích nhảy việc liên tục cả, trừ một số ít người có tư tưởng 'đứng núi này trông núi nọ'. Thực tế, công nhân ở các nước phát triển gắn bó với doanh nghiệp một thời gian khá dài là do với đồng lương nhận được giúp họ không phải quá lo lắng về các nhu cầu cơ bản phục vụ đời sống, chưa nói đến chất lượng khá cao. Họ còn được công ty bảo lãnh mua nhà, xe...
Trong khi đó, với đồng lương ít ỏi ở Việt Nam, cộng với giá nhà tăng chóng mặt, các nhu cầu ăn uống còn chật vật, huống gì đến việc mua nhà và lo cho con cái. Hơn nữa, ở Việt Nam, nhiều công ty nước ngoài không quan tâm mấy đến cuộc sống của lao động Việt do lực lượng này quá dồi dào. Cho nên Việt Nam rất cần những tập đoàn lớn mạnh trong nước để chăm lo cho người Việt tốt hơn".
- 10 năm sống chết cống hiến vẫn bị công ty 'đẩy ra đường'
- 10 năm cống hiến cho công ty đổi lại quyết định sa thải
- Đổi đời sau ba năm bớt cống hiến cho công ty
- 'Bị đuổi khéo sau khi dành cả thanh xuân để làm việc cống hiến'
- Đồng nghiệp gọi điện bàn công việc, tôi yêu cầu gửi mail
- Tôi lạc lõng trong ngày đầu bỏ tư nhân về làm nhà nước