"Đến đúng giờ điểm danh rồi đi ăn sáng, uống cà phê" là vấn đề rất trầm kha của người lao động ở Việt Nam. Tôi từng làm công nhân cho một công ty may nên tận mắt chứng kiến thực trạng này rất nhiều lần. Ở công ty tôi, nếu là công nhân nữ thì may ra còn chăm chỉ hơn một chút, còn phần lớn công nhân nam thì khỏi phải bàn tới độ lười.
Nghĩ sao mà trong giờ làm việc nhưng họ bỏ đi đi hút thuốc liên tục, tụ tập tán dóc ở khu vực nhà vệ sinh cả 5-10 phút một lần, mà mỗi ngày làm việc, họ làm như vậy đến mấy lần.
Sau này, tôi chuyển qua một công ty khác, làm công việc văn phòng. Tuy nhiên, thái độ làm việc của các đồng nghiệp tại đây cũng chẳng khá gì hơn. Thậm chí, độ "rảnh rỗi" của các nhân viên văn phòng còn hơn công nhân gấp bội. Buổi sáng, họ đến văn phòng trễ, nếu có đến đúng giờ thì cũng là để chấm công rồi kéo nhau đi ăn sáng, uống cà phê tới cả nửa tiếng sau mới có mặt ở bàn làm việc.
Trong giờ làm việc, tôi để ý thấy các anh đồng nghiệp vẫn có thể sắp xếp được thời gian rảnh, kéo nhau ra trước cửa công ty đứng hút thuốc, tán dóc nhiều lần trong một ngày. Còn các chị nữ cũng chốc chốc lại chạy xuống dưới đường gặp các shipper để lấy hàng đặt mua online.
Ngoài ra, các chị em còn thường xuyên đặt trà sữa, đồ ăn vặt, rồi đi vòng vòng các phòng ban để tụ tập buôn chuyện trên trời, dưới đất, đủ các kiểu ngay trong giờ làm việc.
>> Những nhân viên Gen Z 'vui thì làm, buồn là nghỉ'
Khi còn 5-10 phút nữa mới đến giờ về tôi đã thấy các anh chị em "rảnh rỗi" đó có mặt đầy đủ, xếp hàng đông kín ở máy chấm công, để chờ đúng giờ là chấm công và đi về cho lẹ.
Đó là những điều thực tế mà tôi tôi đã và đang tận mắt chứng kiến mỗi ngày ở những nơi mình làm việc. Ý thức làm việc đã tệ như vậy rồi, chưa kể kỹ năng làm việc của nhiều người cũng chẳng hề tốt. Họ không có sự phối hợp làm việc với nhau khiến một đầu việc phải làm đi làm lại tới hai, ba lần mới xong, gây lãng phí công sức và thời gian làm việc. Chẳng trách mà năng suất lao động của người Việt bao lâu nay vẫn bị đánh giá là thấp như vậy.
Tôi thực sự không hiểu nổi vì sao nhiều người lại đi làm với thái độ như vậy? Cái "văn hóa công sở" này cứ thế hình thành và tồn tại suốt một thời gian dài tại nhiều tổ chức nhưng vì sao không bị xử lý và chấn chỉnh?
Tôi tin rằng không phải chỉ mỗi công ty của mình có hiện tượng này mà hầu hết các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đều đang gặp vấn đề tương tự, kể cả là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Mà ngặt nỗi, chỉ cần lãnh đạo công ty mà siết chặt các nội quy, quy định lại thì ngay lập tức người lao động lại có thái độ giãy nảy lên liền.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Nhiều Gen Z bỏ việc với lý do khá trẻ con'
- Tôi không bắt nhân viên Gen Z răm rắp nghe theo mình
- Bất công khi phán xét nhân viên Gen Z có 'thái độ lồi lõm'
- 'Khó chiều nhân viên Gen Z'
- Cuộc chiến với nhân viên Gen Z 'lắm tài nhiều tật'
- Lý do công ty tôi vẫn tuyển hàng loạt Gen Z