Với thu nhập trung bình của phần đông người Việt hiện nay, tôi cho rằng chúng ta nên cân nhắc về việc chuyển về sinh sống tại các đô thị loại ba, bốn. Ví dụ, gần Sài Gòn có các địa phương như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... Đây là những khu vực vừa có nhà đất rộng rãi, giá cả phải chăng, lại không bị chen chúc, kẹt xe, bụi bặm như trung tâm thành phố lớn.
Bên nhà vợ tôi có đứa em. Lúc tách ra khỏi gia đình cách đây 7-8 năm, em gom góp được chút tiền để mua nhà ở Đức Hòa (Long An). Nhà xây sẵn nhưng giá chỉ có 250 triệu đồng. Thời ấy, mọi người ở Sài Gòn ai cũng chê nhà xa, nhỏ, nói em dở. Nhưng giờ, cũng chính tại nơi em ở, một lô đất xây dựng đã có giá 1.5-2 tỷ đồng.
Bên nhà tôi lại có đứa em gái út, học hành cũng ngon lành. Hai vợ chồng em đi làm lương khá, nhưng chưa mua được nhà cửa vì tích lũy không được bao nhiêu. Năm 2011, tôi cũng bày cho em vay ngân hàng để mua đất nền ở Hóc Môn. Nhưng rồi, em sợ rủi ro, sợ nợ ngân hàng nên đành lỡ dịp. Hồi ấy, giá một lô đất 85 m2 chỉ có 800 triệu đồng, nhưng nay giá thị trường đã tăng lên tới 3.5 tỷ đồng, do dân về ở đông đúc, hạ tầng đầy đủ, phát triển.
Do vậy, tôi khuyên các bạn trẻ nên cân nhắc lui về những vùng xa trung tâm để sớm có nhà cửa, cuộc sống dễ thở hơn so với bám víu mãi ở Sài Gòn.
>> Thách thức mua nhà thành phố của người thu nhập 7 triệu đồng
Nói về câu chuyện giá bất động sản, tôi thấy ở xã hội nào cũng luôn tồn tại hai nhóm người đối lập, phân hóa giữa người có nhà (thậm chí nhiều bất động sản) với những người không mua được nhà (phải đi thuê). Quan trọng bạn chọn bên nào và phấn đấu như thế nào để được ở mục tiêu đó.
Ví dụ đơn giản, khi bất động sản nóng lên, xảy ra "sốt" đất, nhiều người than vãn, thậm chí ngồi tính toán mất bao nhiêu năm để sở hữu ngôi nhà, mảnh đất? Nhưng cũng có nhiều người nhìn ra có hội để tích lũy tài sản nhà, đất. Rồi khi bất động sản "đóng băng", giá giảm 30-50%, đây sẽ là cơ hội để mua vào thì lại có người vẫn hoài nghi, không dám mua, chờ đợi giảm nữa (không biết đến khi nào?) hoặc không thể mua vì không biết, hoặc chưa biết tận dụng hết nguồn lực xung quanh họ.
Trong cuộc chơi nào, họ cũng chỉ là người đúng ngoài quan sát, và lựa chọn không làm gì. Dừng đổ lỗi, hãy thay đổi suy nghĩ chính mình để theo thời cuộc, đừng chờ đợi thời cuộc thay đổi vì mình
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.