Thứ tư, 15/1/2025
Thứ bảy, 18/12/2021, 06:00 (GMT+7)

10 phong cách thiết kế nhà nổi bật năm 2021

10 xu hướng về cách bố trí không gian, lựa chọn vật liệu và màu sắc được tổng kết từ hơn 120 công trình đăng trên VnExpress năm 2021.

Gần gũi với thiên nhiên

Do đại dịch, con người có xu hướng thiết kế nhà ở gần gũi với thiên nhiên hơn để khi được không ra ngoài vẫn tiếp xúc với ánh sáng, gió trời, cây xanh. Thay vì sử dụng toàn bộ diện tích để xây dựng, nhiều gia chủ Việt giờ đây sẵn sàng dành đất làm giếng trời, sân vườn.

Nhằm đảm bảo riêng tư, một số công trình bố trí vườn ở phía sau như công trình ở Hà Tĩnh do văn phòng Dom Architect Studio thiết kế hoặc đặt các khu vườn nhỏ xen kẽ không gian sống như ngôi nhà trên mảnh đất 24 m2 ở Hà Nội do văn phòng ODDO architects thiết kế.

Cũng hướng đến thiên nhiên, căn nhà Nam Trung Yên (Hà Nội) được Văn phòng kiến trúc VUUV đưa vào ba giếng trời. Với căn nhà ở Đà Nẵng, văn phòng Hinzstudio kết hợp thang bộ với giếng trời dạng phễu.

Không gian linh hoạt, đa năng

Khi gia chủ ở nhà nhiều, các hoạt động bên trong không gian sống của họ cũng tăng lên. Để tối ưu hóa khả năng sử dụng của nhà ở và giúp gia chủ biến hóa nơi ở tùy nhu cầu tại từng thời điểm, nhiều công trình đã đưa ra giải pháp thiết kế linh hoạt, đa năng.

Ví dụ, phòng ngủ trong căn hộ 65 m2 ở TP HCM được văn phòng ROOM+ Design & Build bố trí cửa trượt và nội thất thông minh để khi cần có thể biến thành phòng làm việc, phòng xem phim hoặc kết nối với phòng khách tạo nên chỗ tụ họp rộng rãi.

Căn nhà kiểu "bình thường mới" tại quận Gò Vấp (TP HCM) do văn phòng UX Space thiết kế, tích hợp khu nấu nướng, giặt giũ vào hành lang bằng cách đặt hệ kệ dài 14 mét, chứa đủ các thiết bị như tủ lạnh, bếp, máy rửa chén.

Đường cong

Đường cong làm mềm, tăng tính thẩm mỹ và độc đáo cho không gian. Năm 2021, đường cong được các kiến trúc sư và gia chủ Việt dùng cho cửa, tường, trần, cầu thang và cả đồ nội thất như bàn, ghế, đèn. Ví dụ điển hình là căn hộ ở Huế do văn phòng Limdim House Studio thiết kế và căn nhà quấn "ruy băng thép" ở Khánh Hòa do văn phòng Chơn.a thiết kế.

Không chỉ người độc thân, các gia đình cũng thích đưa đường cong vào tổ ấm như ngôi nhà như công viên thu nhỏ ở Hà Nam của văn phòng Dim Studio hay ngôi nhà giữa phố chợ Sài Gòn của văn phòng H2.

Đôi khi, đường cong được đưa vào để tạo điểm nhấn như thư viện trong căn nhà ở Sài Gòn do văn phòng G+architects thiết kế.

Cầu thang xuyên sáng

Một trong những nhược điểm lớn nhất của nhà ống là thiếu sáng. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc bố trí giếng trời, nhiều văn phòng còn làm cầu thang có bậc rỗng, bậc bằng lam gỗ hoặc kim loại đục lỗ để tạo khoảng hở, đưa ánh sáng xuống sâu bên dưới. Ngoài mục đích lấy sáng, bậc thang hở cũng giúp không gian nhà nhẹ nhàng, thoáng đãng hơn.

Một số công trình sử dụng cầu thang xuyên sáng là ngôi nhà ở Hà Đông của văn phòng ae studiooo, căn nhà tại Đà Lạt của văn phòng Tad.atelier, căn nhà ở Hải Phòng của KTS Tạ Đình Hưng, căn nhà ở Vĩnh Long của văn phòng AD+.

Bê tông thô

Bê tông thô đem tới cảm giác mộc mạc đồng thời tiết kiệm chi phí cho gia chủ, dùng được cho trần, sàn, tường, cầu thang và phù hợp với cả nhà đất lẫn căn hộ. Đặc biệt, với căn hộ chung cư, việc bỏ lớp thạch cao, để lộ bê tông thô trên trần giúp không gian cao, rộng hơn.

Bê tông thô thường được kết hợp với vật liệu gỗ để đem tới sự ấm cúng như căn hộ 68 m2 ở Sài Gòn do văn phòng Tropical Space thiết kế và căn hộ 105 m2 cũng ở Sài Gòn do văn phòng Nhabe Scholae thiết kế.

Với căn nhà ở Thanh Trì, văn phòng Nguyen Thanh Trung Architects tăng sức sống cho công trình bằng cách thêm nhiều cây xanh. Căn nhà cho bốn thế hệ tại Sài Gòn thì được văn phòng 6Atelier sơn vàng, nhờ đó sinh động hơn.

Bề mặt phản chiếu

Nội thất với bề mặt phản chiếu tạo nên hiệu ứng kính vạn hoa, khiến không gian rộng rãi và sang trọng hơn. Một thiết kế hay gặp là lắp gương trên trần như văn phòng Indust Design áp dụng cho căn hộ ở quận Hai Bà Trưngcăn hộ ở Bắc Từ Liêm.

Ngoài vật liệu kính, nhiều công trình lấy kim loại làm nội thất. Ví dụ, văn phòng Dao&Ho Studio bố trí đảo bếp bằng đồng nguyên khối sáng bóng cho căn hộ ở Cầu Giấy. Căn hộ phong cách vũ trụ ở Sài Gòn được gia chủ cùng văn phòng Puzzle Studio bố trí hệ tủ kính, ghế inox. Căn hộ ở Đồng Nai do Skylight Studio thiết kế thì kết hợp cả đồng lẫn mặt kính cho bàn trà.

Nội thất tối giản

Phong cách nội thất tối giản sử dụng những đường nét đơn giản, giảm thiểu đồ đạc, ít chi tiết nhằm tạo ra một không gian hài hòa, thông thoáng nhất. Nhờ phong cách nội thất tối giản, căn hộ ở quận Đống Đa do văn phòng Flat6 Atelier thiết kế trông rộng ra dù thêm phòng ngủ.

Một điểm mới trong phong cách nội thất tối giản năm 2021 là tiết chế hoặc bỏ hẳn tay nắm tủ. Thay vì tay nắm, cánh tủ có thể được thiết kế với chốt đẩy từ tính bên trong hoặc kẽ hở bên trên để gia chủ dễ mở. Giải pháp này đem tới cảm giác liền mạch, gọn gàng, được văn phòng W2D Studio và Da Vàng Studio lần lượt ứng dụng cho căn hộ dành cho gia chủ chỉ thích làm việc ở nhànhà phố Sài Gòn 24 m2.

Tái sử dụng nội thất cũ

Thay vì làm mới hoàn toàn nội thất, các gia chủ Việt có xu hướng tận dụng lại đồ cũ. Không chỉ tiết kiệm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do Covid-19, những món đồ cũ còn gợi lại các kỷ niệm xưa cho người ở như cảm nhận của gia đình KTS Phạm Đức Minh khi cải tạo ngôi nhà cũ thành resort tại gia.

Ký ức từ nội thất cũ cũng khiến không gian ấm áp hơn ngay cả khi gia chủ sống một mình như căn nhà trong hẻm ở Khánh Hòa do văn phòng LaDesignStudio thiết kế và căn nhà "mặc áo mưa" ở Hà Nội do văn phòng S.LA architecture thiết kế.

Màu trắng

Màu trắng làm rộng không gian và tạo cảm giác sạch sẽ. Năm 2021, màu trắng không chỉ dùng cho trần, tường mà còn được ứng dụng cho nội thất.

Căn hộ 110 m2 ở Hà Đông do văn phòng Combo Home thiết kế sử dụng sofa trắng và rèm trắng cho phòng khách. Với căn hộ gần 100 m2 ở Gia Lâm của gia chủ "ám ảnh gọn gàng", văn phòng MUST Design chọn màu trắng cả sofa lẫn mặt bàn, cánh tủ.

Ngoài căn hộ, nhiều công trình nhà đất cũng lấy màu trắng làm tông màu chủ đạo như villa ở Đông Triều của văn phòng Sun Concept, ngôi nhà bên bờ sông Đuống của văn phòng Vn-a (visual network art architecture).

Màu sẫm

Bên cạnh xu hướng chuộng màu trắng, một số gia chủ, đặc biệt là người trẻ, thích thể hiện cá tính bằng những màu sậm như xanh lá, xanh dương, nâu, xám, thậm chí là đen.

Ví dụ, căn hộ penthouse ở Sài Gòn được văn phòng APS Concept thiết kế một bức tường mô phỏng vách đá đen; nội thất như tủ, bàn, ghế cũng chủ yếu dùng màu đen. Căn hộ của gia đình Hà Nội do văn phòng Kooperchitect thiết kế thì sử dụng tông màu tối nhằm đáp ứng sở thích của gia chủ và che đi những vết bẩn khi em nhỏ nghịch ngợm. Căn nhà hai trong một mà Khuôn studio và KTS Phan Khắc Tùng làm cho gia đình năm người ở Sài Gòn lại chọn gam màu xanh lá đậm.

Minh Trang