Thứ bảy, 21/9/2024
Thứ hai, 13/6/2022, 02:03 (GMT+7)

10 ngày cắm trại từ TP HCM đến Đà Nẵng

Thanh Tuấn và bạn đặt mục tiêu ngủ lều cả chuyến đi 10 ngày, thay vì thuê phòng khách sạn hay nhà nghỉ.

Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1986, cùng bạn thực hiện chuyến cắm trại 10 ngày từ TP HCM đến Đà Nẵng. Cả hai đặt mục tiêu ngủ lều cả chuyến đi thay vì khách sạn, nhà nghỉ. "Chung sở thích cắm trại, mình và bạn đồng hành sắp xếp 10 ngày nghỉ để cùng nhau đi một chuyến dài", Tuấn chia sẻ.

Hồ Tà Đùng, Đăk Nông (ảnh) là điểm đầu tiên đôi bạn hạ trại. Mỗi ngày hai chàng trai xuất phát từ 9h sáng, đi đến 16h rồi hạ trại. Tiêu chí lựa chọn điểm cắm trại của Tuấn là an toàn, cảnh đẹp, dễ di chuyển và yên tĩnh.

"Sau một ngày dài đi đường, nơi nào đủ 4 yêu cầu trên sẽ giúp mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Cảm giác ngủ một giấc ngon, dậy ngắm bình minh và hít thở không khí trong lành đủ nạp đầy năng lượng cho một ngày mới thú vị hơn", Tuấn nói.

Hoàng hôn nhuộm đỏ bầu trời và nước hồ Lăk vào ngày cắm trại thứ hai của đôi bạn thân. Cắm trại dưới gốc cây kơ nia cổ thụ bên hồ Lắk là trải nghiệm ấn tượng nhất hành trình của Tuấn. Xung quanh là dãy nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc buôn Cuôr Tak, xã Yang Tao, Đăk Lăk. Người địa phương chủ yếu làm nghề trồng lúa, đánh bắt cá trên hồ.

"Phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời, không khí trong lành, được ngắm khoảnh khắc hoàng hôn, bình minh trên hồ, nghe tiếng chim hót, tiếng sóng nhẹ nhàng...", Tuấn mô tả.

Đập Tân Sơn, Gia Lai là địa điểm cắm trại thứ ba trong hành trình. Tuấn cho biết, một đến hai ngày đầu anh rất mệt do chưa quen ngồi xe lâu, nhưng sang ngày thứ ba thì bình thường. Tuấn chia sẻ mình sẽ tắm rửa, vệ sinh ở các cây xăng lớn dọc đường khi đổ xăng. Anh sạc các thiết bị điện tử từ ắc quy xe máy, sạc nhờ tại quán ăn, hoặc tấm pin năng lượng mặt trời khi có nắng.

Thác Bà Hoàng Mô Ních, Quảng Nam là điểm thứ tư mà Tuấn và bạn hạ trại. Trong 10 địa điểm cắm trại thì vị trí chân thác này được anh đánh giá là đem lại cảm giác kém an toàn nhất do nằm gần đường lớn, có nhiều xe cộ qua lại. Đây cũng là địa điểm nằm ngoài kế hoạch ban đầu.

Bãi rêu ở rạn Nam Ô là điểm hạ trại tiếp theo, đánh dấu hoàn thành nửa chặng đường khi Tuấn cùng bạn đến Đà Nẵng.

Bãi biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi là điểm hạ trại tiếp theo. Càng đi, Tuấn càng thấy còn nhiều điều để ngắm nhìn, học hỏi và trải nghiệm.

Ngắm bình minh từ lều ở Mũi Điện, Phú Yên. Tuấn vốn không có thói quen chọn sẵn đích đến cho mỗi hành trình, mà thường đi tới đâu cảm thấy thích là dừng lại. Với chuyến cắm trại dài ngày này, anh phải tìm hiểu đường đi và địa điểm, chuẩn bị trước một tuần.

Cắm trại giữa bầy dê tại Hòn Đỏ, Ninh Thuận. Cắm trại tự túc khác với trải nghiệm cắm trại tại những điểm nổi tiếng hay khu dịch vụ. Tuấn luôn hạn chế gây chú ý, không đốt lửa, bật nhạc to hay giăng đèn, hoặc ngủ gần đường lớn nơi có nhiều người qua lại. Những không gian như vậy vừa ồn ào, vừa tạo cảm giác bất an không cần thiết. Trước khi hạ trại, du khách nên hỏi trước và xin phép người dân, tuyệt đối không xâm phạm tài sản tư nhân và xả rác.

Bãi Nước Ngọt, Ninh Thuận là điểm hạ trại cuối cùng, kết thúc hành trình 10 ngày của đôi bạn thân. Chi phí 10 ngày cho hai người khoảng 8 triệu đồng. Do không tiền thuê khách sạn nên một nửa tổng chi phí là tiền xăng, còn lại dành cho ăn uống.

Cầu vồng kép tại mũi Kê Gà, Bình Thuận.

Tuấn lựa chọn cung đường TP HCM - Tây Nguyên - Đà Nẵng có tổng khoảng cách cả hai chiều đi và về là khoảng 2.022 km, để kỷ niệm cho năm 2022. Mỗi ngày di chuyển khoảng 200 km, anh đánh giá là vừa sức.

Minh Anh
Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net