"Cuộc sống luôn rất vô thường, khó đoán. Việc lường trước những rủi ro của tuổi già sau khi về hưu cũng không phải chuyện đơn giản vì mỗi người lại phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Để trả lời cho câu hỏi cần chuẩn bị gì cho tuổi già, tôi xin kể ra đây hai trường hợp xảy ra trong chính gia đình tôi để các bạn hiểu hơn về những gì có thể xảy đến trong tương lai:
Bố tôi năm nay tròn 100 tuổi. Lương hưu của bố đang là 4,3 triệu đồng một tháng (sau rất nhiều lần tăng lương hưu mới được như vậy). Bố tôi sống thọ, đó là điều đáng mừng, nhưng đi kèm với đó là những lo lắng phát sinh. Có thể kể ra như bố phải chi phí y tế rất lớn. Từ năm 90 tuổi đến nay số tiền chúng tôi phải chi ra để chăm lo sức khỏe cho bố cũng ngốn hết khoảng một tỷ đồng.
Riêng năm ngoái, bố tôi phải nằm viện, phẫu thuật, tốn hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, mỗi tháng chi phí chăm sóc sức khỏe và tiền thuốc men của bố cũng vào khoảng 20 triệu đồng. May mắn là bố có đông con cái và đứa nào cũng có điều kiện kinh tế, có hiếu với cha mẹ nên có đủ lực để lo đầy đủ. Chứ với mức lương hưu kia, chắc chẳng đủ để làm được gì. Đây chính là rủi ro về tuổi thọ và tích lũy.
>> Hy sinh tuổi trẻ kiếm tiền còn hơn tuổi già ăn bám
Một trường hợp khác là chú ruột của tôi. Ông năm nay cũng đã 98 tuổi, nhưng vẫn rất khỏe mạnh. Từ bé đến giờ, chú chưa bị bệnh gì đến mức phải đi viện. Hiện tại, chú vẫn có thể tự phục vụ mình các sinh hoạt hằng ngày mà không cần phải nhờ vả con cái hay dựa dẫm vào ai.
Lương hưu của chú cũng tương đương bố tôi, khoảng 4,5 triệu đồng một tháng. Thế nhưng, nhờ khỏe mạnh nên chú vẫn dư để chi tiêu. Thậm chí, chú còn tích lũy được đều đặn, số tiền đến nay đã lên tới vài trăm triệu đồng.
Một gia đình như nhà tôi mà đã có hai trường hợp trái ngược nhau như vậy đó. Do vậy, tôi muốn nói rằng, cuộc sống của người già sau khi về hưu rất khó lường và không phải ai cũng giống ai. Trong đó, rủi ro lớn nhất chính là sức khỏe, bệnh tật. Sống thọ là một điều tốt, nhưng chỉ có phúc khi bạn khỏe mạnh, con cháu ngoan ngoãn, hiểu thuận mà thôi".
Đó là chia sẻ của độc giả Hạt ớt về những rủi ro tài chính ít nghĩ đến của người nghỉ hưu. Khi nói đến kế hoạch về hưu, người lao động ở Việt Nam thường tập trung chủ yếu vào mục tiêu tiết kiệm sao cho đủ tiền để đảm bảo mức sống. Tuy nhiên, họ thường bỏ qua một số nhu cầu tài chính khác có thể phát sinh sau khi nghỉ hưu, như những rủi ro về sống thọ, lạm phát, chi phí y tế...
Bạn đã chuẩn bị gì cho tuổi già của mình sau khi về hưu?
- 'Mừng thọ tuổi 70 không còn phù hợp'
- 'U60 để tiền dưỡng già thay vì đem cho con cái'
- U80 vẫn làm việc để không phải sống nhờ lương hưu
- Tuổi già tự lo dù con cái chi tiêu 100 triệu đồng mỗi tháng
- Tuổi già tự lo để không làm khổ con cháu
- Đủ tiền dưỡng già sau 20 năm làm việc