Trước đó, vào ngày 17/6, Học viện Quân y đã tiêm cho 803 người tình nguyện. Như vậy, có thêm 197 người tình nguyện khác đã tiêm vaccine Nanocovax trong 5 ngày.
Nhóm 1.000 người này đồng thời thuộc pha nghiên cứu đầu tiên trong thử nghiệm giai đoạn ba, theo tỷ lệ cứ sáu người tiêm vaccine thì có một người tiêm giả dược. Đến ngày thứ 42 sau tiêm, họ được lấy máu để đánh giá khả năng sinh miễn dịch, kết quả có sau một tháng. Nhóm nghiên cứu đang đôn đốc các tình nguyện viên nhập dữ liệu nhật ký theo dõi điện tử hàng ngày sau khi tiêm thử nghiệm.
Ông Hồ Nhân, Chủ tịch Công ty Nanogen, cho biết đã gửi mẫu huyết thanh của người tình nguyện tiêm thử nghiệm Nanocovax đến cơ sở nghiên cứu trong nước, để đánh giá khả năng vô hiệu hóa biến chủng Delta nguồn gốc từ Ấn Độ, chưa có kết quả.
Nanocovax là vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba ngày 11/6. Ở giai đoạn này, nhóm nghiên cứu chỉ thử nghiệm một mức liều duy nhất là 25 mcg, so sánh người tiêm vaccine với người tiêm giả dược.
Nghiên cứu giai đoạn ba cần 13.000 người tình nguyện, được chia thành nhiều pha khác nhau. Trong đó, Học viện Quân y phụ trách trung tâm thử nghiệm ở Hà Nội, Hưng Yên, Viện Pasteur TP HCM phụ trách ở Long An, Tiền Giang. Theo báo cáo của Nanogen ngày 17/6, có 121 người tại Long An đã tiêm xong liều một. Tính tới 22/6, có tổng cộng khoảng 1.100 người đã tiêm liều một thử nghiệm vaccine ở cả bốn địa điểm. Số còn lại sẽ theo tỷ lệ cứ hai người tiêm vaccine thì có một người tiêm giả dược.
Nanocovax đang là ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng nhất của Việt Nam. Dự kiến đến giữa tháng 9 có kết quả dữ liệu về tính an toàn và sinh miễn dịch của vaccine. Vaccine có thể được cấp phép khẩn cấp trong khi thử nghiệm giai đoạn ba.
Ông Hồ Nhân cũng cho biết công suất dây chuyền sản xuất của Nanogen có thể đạt 10-12 triệu liều trong một tháng và có thể nâng lên 30-50 triệu liều sau tháng 10. Công ty dự kiến cung cấp vaccine trong nước và xuất khẩu.
Chi Lê