Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết theo kế hoạch, giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng Nanocovax thực hiện trên 13.000 người tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Long An... Mục đích của thử nghiệm giai đoạn ba là đo hiệu lực bảo vệ của vaccine.
Ở miền bắc, Học viện Quân y tiêm tại Bệnh viện Quân y 103, trung tâm y tế địa phương triển khai tại Hưng Yên. Ở miền nam, Viện Pasteur TP HCM phụ trách chuyên môn, phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang thực hiện.
Các tình nguyện viên chia thành 2 nhóm, gồm một nhóm tiêm vaccine liều 25 mcg, một nhóm tiêm giả dược.
Học viện Quân y dự kiến tiêm 1.000 người tại Hà Nội. Ngày 11/6, học viện tiêm cho 200 người, từ 18 tuổi trở lên. Trước đó, hơn 6.000 người đăng ký thử nghiệm tại học viện, trong đó khoảng 600 người đã được khám sàng lọc và đạt điều kiện tham gia.
Nanocovax là vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, dựa trên công nghệ tái tổ hợp. Công nghệ tái tổ hợp là tích hợp trình tự một đoạn S protein gai trên nCoV vào dòng tế bào động vật mà Nanogen đang nuôi cấy, sản xuất ra protein, sau đó dùng protein này pha chế tạo thành vaccine. Hiện, Nanocovax được đánh giá là vaccine tiềm năng nhất của Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tiêm thử nghiệm giai đoạn một trên 60 người và giai đoạn hai trên 554 người. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy tất cả tình nguyện viên được tiêm vaccine đều sinh kháng thể. Phản ứng phụ thường gặp là sốt nhẹ 37,5-38 độ C, đau mỏi người, đau vị trí tiêm, chưa có trường hợp sốc phản vệ.
Theo giáo sư, tiến sĩ Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học, Nanocovax có thể được cấp phép khẩn cấp có điều kiện. Bộ Y tế có thể mất khoảng hai tháng nữa để thu thập đủ cơ sở khoa học để cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax trong nước.
Đại diện công ty Nanogen cho biết công suất sản xuất hiện tại khoảng 6 triệu liều/tháng và có thể nâng lên 100 triệu liều/năm.
Chi Lê