Giống như virus gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, nCoV cũng thuộc họ virus Betacorona, Bằng cách xem xét sự giống nhau về mặt di truyền giữa hai chủng virus, nhóm nghiên cứu dựa vào dữ liệu miễn dịch học được xác định qua thí nghiệm để nhận biết một loạt yếu tố quyết định kháng nguyên (epitope) tế bào B và tế bào T giống nhau ở SARS-CoV và nCoV.
Kháng nguyên là bất kỳ chất lạ nào tạo ra phản ứng miễn dịch. Những mảnh protein nhỏ trên một kháng nguyên mà kháng thể nhận ra và liên kết với nó gọi là epitope. Đây là dấu ấn sinh học cho phép hệ miễn dịch nhận biết để kích hoạt phản ứng chống lại virus. Do các nhà nghiên cứu không quan sát thấy đột biến nào ở các epitope đã nhận dạng trong trình tự gene nCoV sẵn có, việc biến chúng thành mục tiêu miễn dịch có thể giúp bảo vệ cơ thể trước Covid-19.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Matthew McKay và tiến sĩ Ahmed Abdul Quadeer ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) hy vọng công trình của họ có thể giúp ích cho công tác nghiên cứu thử nghiệm nhằm phát triển vaccine hiệu quả ngừa nCoV.
"Dù có nhiều điểm giống nhau giữa SARS-CoV và nCoV, hai chủng virus vẫn có khác biệt di truyền. Chúng tôi chưa rõ liệu epitope làm phát sinh phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV có hiệu quả với nCoV hay không. Chúng tôi phát hiện bản đồ epitope của SARS-CoV chỉ giống nCoV khoảng 20% và cho rằng đó là những mục tiêu hứa hẹn để nghiên cứu sâu hơn", giáo sư McKay chia sẻ.
Ở HKUST, McKay là giáo sư Khoa Điện tử - Kỹ thuật vi tính và Khoa Hóa học - Kỹ thuật sinh học, Quadeer là nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Khoa Điện tử - Kỹ thuật vi tính. Họ công bố phát hiện hôm 25/2 trên tạp chí Viruses.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)