Độc giả Mimozasg111 lên tiếng cảnh báo về những văn hóa, thói quen thăm nom, mời khách của người Việt tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm:
"Đúng là tập tục của người Việt mình có những cái nên bỏ. Ngày mới về Việt Nam, tôi phát hoảng với văn hóa thăm bệnh của người Việt mình. Trong gia đình, tôi phản đối nhưng mọi người cũng không nghe. Đứa em họ tôi vừa mổ, đang nghỉ ngơi trong phòng bệnh mà họ hàng bên chồng, bên vợ, đồng nghiệp, bạn học vào thăm liên tục... Người thăm cũng mệt mà người bệnh cũng rất mệt. Ngoài ra người thăm cũng có nguy cơ lây bệnh, người bệnh đang yếu cũng có nguy cơ lây những bệnh khác".
Cùng chung quan điểm trên, bạn đọc HongBui lại chia sẻ cách đối phó với thói quen thăm bệnh của nhiều người:
"Lúc tôi về nhà ngoại sinh em bé, phải sinh mổ, tôi nói mẹ không thông báo bà con họ hàng gì hết. Ai biết mà có hỏi thì mẹ nói trong thời gian một tuần ở viện không cần bất cứ ai tới thăm hỏi. Tôi nói quan tâm cháu thì tới nhà thăm sau khi tôi về cũng được. Thời gian bảy ngày sau sinh ở viện, tôi chỉ muốn yên tĩnh nghỉ ngơi hồi phục sức khoẻ".
Đánh giá về vấn đề này, độc giả Thánh Tuệ nhấn mạnh việc thay đổi nhận thức và thói quen giao tiếp có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng trách các dịch bệnh truyền nhiễm:
"Vấn đề giữ gìn vệ sinh cho cá nhân và cộng đồng nói chung là một loạt cách hành vi xã hội được giáo dục, được nhận thức. Không phải bỗng dưng các nước phương Tây có thói quen này, tất cả đều nhờ thành quả của giáo dục ý thức, nhận thức của người dân mấy thế hệ mới có được. Việt Nam vừa mới phát triển, mới ra khỏi thời kỳ mông muội (năm 1945 có 95% dân số mù chữ), hiện giờ có ít gia đình nào mà cả ba thế hệ đều học hết chương trình phổ thông, chưa tính tới chất lượng của chương trình giáo dục nữa. Việc xảy ra dịch bệnh hiện tại cũng là một cơ hội để nâng cao nhận thức, giáo dục người dân các thói quen sinh hoạt, vệ sinh lành mạnh, an toàn".
"Tôi vẫn nghe đâu đó rằng đừng so sánh với Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc, Nhật... vì chúng ta đang ở Việt Nam. Tôi thấy xót xa vì lẽ chính lòng tự hào dân tộc tạo ra sức mạnh vô song nhưng chính nó cũng tạo ra rào cản để tự bản thân quốc gia đó có thể bỏ các tật xấu.
Luẩn quẩn mãi, chúng ta chẳng thoát khỏi các thói xấu văn hóa đó. Quan điểm tôi là thói xấu thì cần triệt để xóa bỏ cho dù là của "Tây hay ta", bằng luật nặng để thay đổi hành vi cũng chấp nhận chứ cứ ậm ờ, mải lo lắng này nọ thì khi nào mới có sự thay đổi? Ngụy biện rằng đất nước cần thời gian để thay đổi chỉ là cách kéo dài giải pháp. Có nhiều chuyện sống còn chúng ta lại lần lữa chẳng làm, có những chuyện không cấp bách thì chúng ta lại rầm rộ làm đến cùng tận", bạn đọc Đức Nguyên nói thêm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.