Đọc bài viết "Thế 'cửa dưới' của người đi thuê nhà" của tác giả Nguyễn Trí Công, tôi hiểu và thông cảm cho người đi thuê mặt bằng.
Hơn 20 năm trước, vợ chồng tôi sang lại mặt bằng của bố mẹ vợ để tiếp tục kinh doanh. Do là người thân ruột thịt trong nhà, giữa bố mẹ và con cái nên không yêu cầu phải làm hợp đồng. Cũng một phần là bởi cơ sở kinh doanh này do vợ tôi gây dựng nên thời còn học phổ thông và đại học.
Tiền hàng vợ chồng tôi thanh toán hết lúc chuyển giao, tiền thuê mặt bằng trả hàng tháng theo giá thị trường cho thuê, lúc đó là 4 triệu đồng/ tháng, tương đương một cây vàng. Chưa đầy hai năm sau, ông bà không muốn cho thuê nữa, có ý định lấy lại để cho con trai cưới vợ, rồi con dâu làm ăn.
Vậy là sau đúng hai năm, vợ chồng tôi trả lại mặt bằng cho ông bà và chuyển về chỗ khác - được chúng tôi mua sau một năm kinh doanh. Cô con dâu sau đó tiếp quản nhưng không thể tồn tại được lâu và phải đóng cửa hàng, cho thuê nhà lấy tiền tiêu. Ông bà dù xót xa nhưng cũng chẳng làm gì được.
Trong khi đó, việc kinh doanh của vợ chồng tôi mỗi năm đều tốt, nên mua thêm đất rồi cho thuê làm xưởng và cửa hàng kinh doanh. Hợp đồng tôi cho họ thuê ít nhất cũng phải 3-5 năm đối với cửa hàng và 7-10 năm với nhà xưởng để người thuê có kế hoạch làm ăn. Tiền cọc tôi cũng chẳng yêu cầu họ phải gửi nhiều.
Trong thời gian còn hợp đồng, nếu bên thuê muốn trả lại mặt bằng thì tôi chỉ nghiệm thu, xem cái nào hư cần sửa, lên chi phí xong là hoàn tiền cọc. Tôi cũng chẳng yêu cầu bồi thường hợp đồng trước hạn. Quan điểm của tôi là không thích lấy không tiền của ai để làm gì. Họ không thuê nữa thì sẽ có người khác thuê. Đừng tham của ai thì ta sẽ có tất cả.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.