Theo dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mới công bố, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng mỗi tháng (tức 132 triệu đồng một năm). Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.
Độc giả Thao Tran bày tỏ sự lo ngại cho tương lai trước đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ mới với đối tượng nộp thuế:
"Trước năm 2013, tôi 36 tuổi và thu nhập khoảng 15 triệu đồng/ tháng nhưng vẫn không đủ để chăm sóc mẹ (cha tôi ở riêng và tự chăm sóc bản thân). Năm 2014, mẹ tôi mất, tôi vướng nợ nần 5 năm sau mới trả hết. Năm 2019, cha tôi bệnh, tôi không có nổi 55 triệu đồng để phẩu thuật cho ông, nên phải vay mượn tiếp mặc dù thu nhập của tôi bây giờ khoảng 17-18 triệu đồng/ tháng. Tôi giờ còn chưa dám sinh con. Đánh thuế chỉ từ 11 triệu đồng thì tôi không biết sống sao với tuổi già của mình".
Trong khi đó, độc giả Trần Xuân Thiện lại làm một bài toán thu chi để chỉ ra sự bất cập của đề xuất mới:
"Mỗi tháng, trung bình một người đi làm chỉ biết ăn và làm thôi sẽ có chi phí cơ bản như sau: Thuê nhà (3 triệu đồng), ăn sáng (900 nghìn - 1,2 triệu đồng), ăn tối (1,2 triệu đồng), bốn ngày nghỉ (400 nghìn đồng), điện thoại (300 nghìn đồng), xăng xe đi lại (400 nghìn đồng), chi tiêu vặt (600 nghìn đồng). Tổng cộng hết hơn 7 triệu đồng/ tháng. Còn lại là chi phí sinh hoạt và phát sinh, mỗi tháng 9 triệu đồng cũng không đủ mà đã bị đánh thuế bấy lâu nay.
Người đi làm công nhân lương thấp hơn 9 triệu đồng không đủ sống. Người ta phải đi tăng ca, "cày ngày cày đêm" để có đủ tiền sống, nhưng khi cố gắng làm được hơn 9 triệu đồng là bị đóng thuế. Trong khi mức này đã giữ quá lâu, khiến người đi làm bị ảnh hưởng như thế nào? Với vật giá leo thang như hiện nay, mức 11 triệu đồng còn không đủ sống mà vẫn bị đánh thuế, đặc biệt là công nhân.
Còn giảm trừ gia cảnh, mỗi đứa bé đi học đã mất vài triệu đồng học phí, chưa nói chi phí ăn uống, sữa, chi phí đi học thêm... nhưng chỉ được giảm trừ có 3,6 triệu đồng. Vậy thử hỏi có đủ lo cho con ăn học trong một tháng hay không? Tôi nói vậy để thấy rằng mức thuế phải nhìn ở tầm vì mô, nhìn toàn cục và đánh giá khách quan, phải đặt mình vào thực tế mới hiểu được".
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Suthat bổ sung:
"Nếu ở thành phố mà không có nhà thì:
- Thuê nhà ổ chuột: 2 triệu đồng.
- Tiền điện nước: 700 nghìn đồng.
- Xăng xe: 300 nghìn đồng.
- Điện thoại và internet: 300 nghìn đồng.
- Tiền ăn tiêu: 4,5 triệu đồng.
- Tiền hiếu hỷ: 500 nghìn đồng.
- Tiền tiêu vặt: 500 nghìn đồng.
- Tiền mua sắm: 300 nghìn đồng.
Tổng chi tiêu tình sơ sơ cũng đã hết hơn 9 triệu đồng/ tháng. Nếu thu nhập 11 triệu đồng thì mỗi tháng chỉ dư được gần 2 triệu. Tiết kiệm khoảng 5 năm mới đủ tiền cưới vợ. Đấy là chưa kể những khoản phát sinh khác, không biết bao giờ mới mơ có tiền mua nhà.
Nếu có con và người phụ thuộc thì tiền ăn mỗi người tối thiểu cũng 3 triệu đồng/ tháng, nhưng phải chi phí thêm tiền thuê nhà rộng hơn. Con cái phải đi học, ốm đau, mua sắm sách vở, quần áo thì cũng phải mất ít nhất 2 triệu đồng mỗi tháng. vậy nên, mỗi người phụ thuộc tối thiểu cũng chi phí mất 5 triệu đồng/ tháng. Đó là chưa kể những lúc ốm đau, cưới xin, chi phí trông con, gửi con, nuôi bố mẹ già... 5 triệu đồng có lẽ cũng không đủ.
Đánh giá về đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh mới của Bộ Tài chính, độc giả Long Mạc nhấn mạnh:
Bộ Tài chính cần xem xét lại cho hợp lý, vì không phải năm nào cũng điều chỉnh được. Phân tích ra sẽ thấy: đồng tiền mà người lao động được trả từ lương là đồng tiền bị thu thuế đầy đủ và khó trốn thuế nhất.
Thu nhập trung bình hiện nay của người dân Việt Nam ngay cả ở đô thị vẫn là mức thấp. Với mức thu nhập khoảng 600 đôla/ tháng, người lao động còn bộn bề chi phí phải chi tiêu, khoản nào mua bán cũng phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT), ngay cả các khoản nhỏ và thường xuyên như tiền điện, nước, rác thải. Lương chưa cao mà thuế thì đóng đủ, mọi chi phí đều tăng chóng mặt như thế tiết kiệm được mấy đồng để làm việc lớn như mua xe, mua nhà?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.