Nhân đọc bài viết "Khánh kiệt vì nCoV" của tác giả Vũ Hoàng, tôi đặc biệt chú ý chi tiết "người thuê mặt bằng tại Thâm Quyến - thành phố sầm uất bậc nhất Trung Quốc, đã đóng cửa nhà hàng cá nướng của mình và phải trả tiền phạt 36.000 USD vì phá vỡ hợp đồng thuê mặt bằng trong bối cảnh Covid-19 vẫn phức tạp".
Đây là một tình huống pháp lý mà khi nhìn qua tưởng chừng quá bình thường, tuy nhiên nhìn sâu thêm một chút sẽ thấy sự bất bình thường trong đó. Bởi cực chẳng đã, người thuê mới phải huỷ hợp đồng thuê mặt bằng trước thời hạn, do quá vắng khách, không thể đủ chi phí trang trải. Nếu tại làm ăn kém mà ế thì không nói làm gì, nhưng lại do thủ phạm Covid-19 gây ra.
Từ chuyện xứ người ngẫm đến chuyện nước ta, khi trên thực tế những hợp đồng thuê, cho thuê nhà ở, mặt bằng kinh doanh đều được chủ nhà soạn sẵn, thậm chí họ thuê luật sư tư vấn, nhằm có lợi nhất có thể cho bên A (bên cho thuê). Điều tất yếu sẽ xảy đến: khi một bên quá có lợi thì bên còn lại sẽ phải chịu thiệt thòi. Trong khi đó, về nguyên tắc và căn cứ trên những quy định của pháp luật, các bên sẽ cùng nhau thương thảo hợp đồng, sao cho đôi bên cùng được hưởng lợi hài hoà, bình đẳng nhất có thể.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hợp đồng được soạn sẵn là chính, người thuê luôn tặc lưỡi nghĩ đơn giản "cứ trả tiền thuê đúng hạn là mọi chuyện êm xuôi". Câu nói kinh điển này cũng được các chủ nhà trấn an khi người thuê đọc xong hợp đồng mà còn do dự, lấn cấn. Được bên cho thuê "làm công tác tư tưởng", vậy là người thuê ký phắt cho xong, bởi trong lòng nhỡ đã chọn chấm được địa điểm, vị trí mặt bằng, nhà ở ưng ý. Thế là người thuê chấp nhận (hoặc thậm chí không nhận thức được) những thiệt thòi có thể đang đợi ở phía trước.
Trở lại câu chuyện người thuê bị đền tiền tới 36.000 USD, khi "vi phạm hợp đồng" là do trong hợp đồng không ghi một nội dung quan trọng ở gần cuối, đại ý là: "Nếu do thiên tai, dịch bệnh, hoặc bị nhà nước thu hồi, giải toả hoặc vì các lý do khách quan khác (hợp lý và chứng minh được) không phải lỗi của hai bên, thì một trong hai bên hoặc cả hai bên cùng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, mà không bên nào phải đền bù bất cứ gì cho bên còn lại". Được như thế thì đâu đến nỗi, khi phá sản vì dịch bệnh mà vẫn bị bên cho thuê "cạn tàu ráo máng" tận thu đến vậy.
Không nói quá thì... mối quan hệ giữa người thuê và người cho thuê nhà, mặt bằng ngày nay tựa như "giữa tá điền thời hiện đại và địa chủ văn minh kiểu mới". Người thuê "địa" nai lưng làm lụng để lo trả tiền thuê cho "chủ địa" - chi phí nặng nhất trong mọi khoản cần trang trải. Trong khi đó, người cho thuê ngồi mát và bất cần biết nắng, mưa, thậm chí là thiên tai, dịch bệnh, đào đường dựng lô cốt hoặc hàng tá những khó khăn, chi phí khác mà người thuê phải đối mặt hàng ngày.
Về lý thì "thuận mua, vừa bán", xét thấy không thuê được thì đừng thuê. Chuyện này ai cũng biết. Tuy nhiên, người không có nhà, mặt bằng và chỉ biết làm công việc buôn bán, hoặc không buôn bán mà không có nhà ở thì không thể không đi thuê nhà, mặt bằng. Và họ luôn đặt tâm thế bản thân ở cửa dưới, nên đành thoả hiệp những quy định thiếu công bằng trong hợp đồng.
Nên chăng, những điều khoản mang tính nhạy cảm này nhà nước cần bổ sung vào mẫu hợp đồng một cách cố định, chính thức và mang tính bắt buộc? Thêm nữa, không chỉ vấn đề đền cọc, đền tiền khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, mà còn có một vấn nạn nhức nhối khác là chủ nhà thu giá tiền điện, nước, rác,... cao hơn giá thực tế. Điều này cũng cần được đưa vào cụ thể và bắt buộc. Chỉ có như vậy, mới có thể ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng hợp đồng thuê nhà, mặt bằng chứa nhiều bất lợi cho người đi thuê khi họ không tiện mở lời đàm phán.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.