Có người cho rằng, võ thuật khi được đưa vào tiểu thuyết hay điện ảnh thì đã làm cho khán giả ảo tưởng về sức mạnh và hiệu quả của võ truyền thống, nhất là qua những gì mà Từ Hiểu Đông đã làm với các võ sư võ truyền thống. Rồi sau đó, có người lại trách Kim Dung vì chính ông đã mang ảo tưởng ấy đến cho họ. Hy vọng rằng đó chỉ là những lời trách vui, bởi vì một người được Đại học Cambridge phong là tiến sĩ danh dự và được nước Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh như Kim Dung tiên sinh thì rất đáng được tôn trọng.
Kim Dung tiên sinh viết 15 bộ tiểu thuyết các thể loại về võ thuật, nhưng cái ý nghĩa sâu xa trong các tác phẩm của ông không phải là nói về sự hơn thua của các môn phái hay môn võ, mà là triết lý về nhân sinh, hướng độc giả đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Có lẽ phải mất nhiều năm nữa, nhân loại mới có thể phân tích hết các giá trị, ẩn ý thâm sâu trong tác phẩm của Kim Dung. >> Xem chi tiết
Võ thuật là thứ vũ khí mà người xưa sáng tạo ra để chống kẻ thù, bảo vệ bản thân và cộng đồng. Nhưng khi xã hội phát triển, pháp luật ngày càng hoàn thiện, khoa học ngày càng hiện đại, con người được bảo vệ bằng nhiều biện pháp khác, thì võ thuật có xu hướng dần trở thành những môn thể thao, rèn luyện nhân cách, sức khỏe, thậm chí nhiều môn võ đã được xem là môn thể thao chính thống và được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội.>> Xem chi tiết
Từ những vụ việc thách đấu ồn ào của Từ Hiểu Đông, tôi có thể rút ra được mấy điều sau đây:
Thứ nhất, Từ Hiểu Đông đánh bại Ngụy Lôi, Đinh Hạo... thì đó là chiến thắng riêng của Từ, và chiến bại của riêng Ngụy, Đinh, không thể qua đó kết luận võ truyền thống chỉ là những thứ múa may, khoe mẽ, chẳng bằng được MMA. Hoặc giả sau này Flores dung Vịnh Xuân để thắng Từ, thì cũng không thể kết luận võ truyền thống hơn MMA. Và việc đả bại Ngụy, Đinh... cũng không thể nói là đã vạch trần bộ mặt thật của võ truyền thống. Cái hiện có chỉ là hữu hạn, cái cảnh giới vô cùng vẫn còn ở phía trước, nơi thâm sâu mà con người chưa đạt đến được.
>> 'Cao thủ Vịnh Xuân Flores thắng vì ra đòn không theo luật thi đấu'
Thứ hai, đừng nên xúc phạm theo kiểu "những thứ nào không quật ngã đối thủ thì không nên gọi là võ". Vẫn hãy để võ dưỡng sinh cho các cụ già luyện sức khỏe, vẫn hãy để cho các môn võ thể thao là nơi để cho người dân tập luyện và thi đấu để giành huy chương cho nước nhà, vẫn hãy để cho các môn võ cổ truyền là nơi để trai làng thể hiện sức mạnh với gái bản, vẫn hãy để các nhà làm phim mang võ thuật lên màn ảnh để lồng ghép các câu chuyện nhân sinh vào những bước chân lưu lạc giang hồ. Và vẫn phải tôn trọng MMA, Quyền Anh, Muay Thái... khi mà muốn phân định thắng thua thì phải lên võ đài tỉ thí.
Thứ ba, việc thách đấu là của người thách đấu, còn việc nhận lời hay không là của người được thách đấu. Người thách đấu không phải là kẻ gan dạ, người được thách đấu từ chối cũng không phải là kẻ hèn nhát. Trên đời có rất nhiều người rất thích thách thức người khác, không riêng trong võ thuật, thử hỏi nếu nhận lời hết thì sức đâu mà chiến. Ngoại trừ đối với những kẻ thích vỗ ngực xưng tên bị cuốn vào vòng thị phi, thì cũng đừng nên lê la cùng khắp thiên hạ để vạch mặt cái này, làm rõ cái kia... Bởi vì thực chất cho đến giờ chưa có một môn phái võ truyền thống chân chính nào làm việc phi nghĩa, xưng hùng xưng bá, chọc giận thiên hạ cả, có chăng chỉ là sự ám thị của nhân gian mà thôi.
>> 'Flores dùng võ truyền thống thực chiến không thua kém MMA'
Nhưng dù sao, những người như Từ Hiểu Đông hay Flores ít nhiều cũng mang lại cho cuộc sống những sự hoạt kê nhất định. Nếu vắng Từ hay Flores thì cuộc sống cũng buồn đi đôi chút.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây, hoặc về bandoc@vnexpress.net.