Một người được Đại học Cambridge phong là tiến sĩ danh dự và được nước Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh như Kim Dung tiên sinh thì rất đáng được tôn trọng.
Kim Dung tiên sinh viết 15 bộ tiểu thuyết các thể loại về võ thuật, nhưng cái ý nghĩa sâu xa trong các tác phẩm của ông không phải là nói về sự hơn thua của các môn phái hay môn võ, mà là triết lý về nhân sinh, hướng độc giả đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Có lẽ phải mất nhiều năm nữa, nhân loại mới có thể phân tích hết các giá trị trong tác phẩm của Kim Dung, tuy nhiên, trong nội dung bài viết, xin mạn phép phân tích hai ý có liên quan đến chủ đề mà thôi.
Thứ nhất, giá trị chân – thiện – mỹ trong các tác phẩm Kim Dung chính là trải qua bao cuộc bể dâu, thì cuối cùng chính luôn thắng tà, cái thiện luôn thắng cái ác, người chính nghĩa luôn thắng kẻ tiểu nhân. Người chính nghĩa luôn muốn tìm sự thái bình cho võ lâm và thiên hạ, trong khi kẻ tiểu nhân muốn thâu tóm võ lâm và thâu tóm thiên hạ, biến võ lâm thiên hạ trở thành cái sở hữu riêng của mình.
>> 'Flores dùng võ truyền thống thực chiến không thua kém MMA'
Mộ Dung Phục, Nhạc Bất Quần... luôn ám ảnh về địa vị Võ lâm Chí tôn, dùng mọi thủ đoạn đê hèn nhằm đạt được mục đích, nhưng rồi cuối cùng kẻ chết không toàn thây, kẻ rồ rồ dại dại. Kim Luân Pháp Vương đến tận cửa Thiếu Lâm Tự định vạch mặt địa vị Thái Sơn Bắc Đẩu của Thiếu Lâm, dù các trụ trì chẳng muốn hơn thua, đến khi bị Hư Trúc dùng Di Đà Chưởng và La Hán Quyền hạ thủ thì lại đổ thừa Thiếu Lâm câu kết với Cung Linh Thứu. Trong khi đó, anh hùng chính nghĩa như Kiều Phong lại không màn đến danh lợi, bỏ ngỏ chức Minh chủ Võ lâm – cái mà bao nhiêu người dòm ngó, sẵn sàng tự tận một thân tuyệt học tại Nhạn Môn Quan để mong thái bình cho hai miền Liêu - Tống. Hay như Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, sau những biến cố long trời lở đất, máu đổ đầu rơi, đã gác lại phía sau những tranh chấp giang hồ và chức vị Võ lâm Minh chủ, người thì ngày ngày thả cừu chăn dê và kẻ mày cho Triệu cô nương, người thì nắm tay Nhậm Doanh Doanh cùng tiếu ngạo khắp giang hồ.
Trong hiện tại, đang có những cuộc thách đấu, tỉ thí... giữa các cá nhân với nhau. Nếu có là những cuộc giao lưu, học hỏi, tăng cường quan hệ hiểu biết lẫn nhau, thì đó là điều rất tốt. Nhưng đấu võ để vạch mặt cái này, làm rõ cái kia, như cái cách của Kim Luân Pháp Vương hay Hoắc Đô Tây Tạng đã làm, thì đó không phải là cách làm của các chính nhân quân tử trong truyện của Kim Dung tiên sinh.
>> Võ cổ truyền mất chất vì tô vẽ những đòn đánh không thực tế
Thứ hai, trong các tác phẩm của Kim Dung đều toát ra một hàm ý rất rõ ràng: Võ học là vô biên, chỉ có người luyện võ là hữu hạn trong một giai đoạn thời kỳ nhất định; và một triết lý xuyên suốt: nhân thượng hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên – nghĩa là trên người còn có người khác, ngoài trời có trời cao hơn. Cũng có nghĩa rằng, đệ nhất thiên hạ, đệ nhất môn phái cũng chỉ là hữu hạn, hôm nay người này giỏi nhất, ngày mai thì chưa chắc, cảnh giới võ học trong mỗi người, mỗi môn phái chỉ là tạm thời, cảnh giới vô cùng của võ học mới là vĩnh viễn.
Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất đã phân định 5 ngôi Võ lâm Ngũ bá: Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công, và, Trung Thần Thông Vương Trùng Dương của Toàn Chân đạt cảnh giới cao nhất nên được định vị ở trung tâm để chủ trì đại cuộc. Nhưng chính vì cái triết lý nêu trên, nên mới có cái quy ước là cứ 25 năm phải luận kiếm Hoa Sơn một lần, bởi vì võ học Vương Trùng Dương sau 25 năm chưa hẳn là cái thế. Mà quả thật như vậy, đến kỳ luận kiếm thứ 3, sau những biến cố vật đổi sao dời, thì 5 ngôi đã khác: Đông vẫn là Hoàng Dược Sư, nhưng Tây thì Dương Quá đã chiếm chỗ Âu Dương Phong trở thành Tây Cuồng, Đoàn Trí Hưng vẫn là vị nam nhưng giờ đã là Nam Tăng, không còn là Nam Đế, vị Bắc thuộc về Quách Tĩnh với biệt hiệu Bắc Hiệp. Vị trí trung tâm giờ là Trung Ngoan Đồng Châu Bá Thông thay cho Vương Trùng Dương đã quá cố.
Trong truyện Kim Dung có một nhân vật rất độc đáo, đó chính là Độc Cô Cầu Bại. Đây là một nhân vật hữu danh vô hình, chưa ai biết, chưa ai gặp, chỉ tồn tại như một truyền thuyết mà khi nhắc đến, cả võ lâm phải kính trọng và khiếp sợ. Về sâu xa, đây không phải đơn thuần là một nhân vật cụ thể, mà đây chính là một hình tượng nghệ thuật được Kim Dung khắc họa để mô tả tính tuyệt đối của võ học chính là sự vô cùng, vô biên mà con người khó có thể đạt đến được.