Trong lịch sử phát triển của xã hội, để chống lại kẻ thù, bảo vệ cộng đồng, bộ tộc thì con người đã sáng tạo ra các loại vũ khí chiến đấu. Thời cổ, trung đại có cung, nỏ, đao, thương, kiếm, ná... Thời cận, hiện đại có các loại súng, bom, tên lửa... Đến ngày nay, có những loại vũ khí đã hoàn thành hoặc hoàn thành một phần sứ mệnh lịch sử đã dần trở thành những môn thể thao rất phổ biến: bắn cung, bắn súng, ném lao, đấu kiếm... được đưa vào thi đấu ở Thế vận hội; Bắn nỏ, bắn ná... trở thành các môn thể thao truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành nét văn hóa truyền thống quý báu.
Thời chiến, cung, súng, nỏ, ná là để bắn vào nhau nhằm giết chết kẻ thù. Còn trong thể thao, những thứ ấy được bắn vào bia để tính điểm. Kiếm trước đây được rèn rất sắc bén để giết người, nhưng khi đưa vào thi đấu thể thao thì kiếm được bịt đầu, người thi đấu được trang bị đồ bảo hộ để tránh nguy hiểm, và thắng thua chỉ tính bằng điểm.
Võ thuật cũng vậy, nó cũng là thứ vũ khí mà người xưa sáng tạo ra để chống kẻ thù, bảo vệ bản thân và cộng đồng. Nhưng khi xã hội phát triển, pháp luật ngày càng hoàn thiện, khoa học ngày càng hiện đại, con người được bảo vệ bằng nhiều biện pháp khác, thì võ thuật có xu hướng dần trở thành những môn thể thao, rèn luyện nhân cách, sức khỏe, thậm chí nhiều môn võ đã được xem là môn thể thao chính thống và được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội.
Chẳng hạn như môn Judo, tiền thân là Jujitsu - một môn võ chiến đấu với những đòn như bẻ tay, bẻ cổ,... dễ gây tổn thương cho đối thủ, sau đó được giáo sư môn thể chất Kano Jigoro bỏ bớt các yếu tố bạo lực và làm cho nó mang tinh thần thể thao nhiều hơn. Hay như Thái cực quyền ngày nay, có một biến thể là võ Dưỡng sinh, mục đích chủ yếu là rèn luyện sức khỏe. Và như vậy, gần như tất cả các loại hình võ thuật hiện nay trên thế giới đều được xếp vào lĩnh vực thể thao – mà mục đích thể thao khác xa với mục đích chiến đấu.
>> 'Cao thủ Vịnh Xuân Flores thắng vì ra đòn không theo luật thi đấu'
Cổ truyền thì có Vịnh Xuân, Thiếu Lâm, Thái cực quyền, Bình Định... Hiện đại thì có Quyền anh, Muay Thái, Karate, Taekwondo, Vovinam... Riêng MMA Cũng là một môn thể thao, gọi là môn võ tổng hợp (Mixed Martial Arts) mang tính đối kháng toàn diện. Khi thi đấu môn này cho phép đấm, đá, vật.... Mục đích của MMA là tìm ra một kỹ năng chiến đấu hoàn hảo nhất từ những môn võ khác nhau trên thế giới. Trong MMA, người ta có thể thấy những võ sĩ xuất thân từ những môn võ khác nhau như: đấu vật, quyền Anh, Muay Thái, Judo,... Đây là một môn võ thực dụng, cho phép sử dụng tất cả các đòn thế từ các võ phái khác nhau, miễn là đánh bại đối phương.
Như vậy, có thể khẳng định tất cả các môn võ hiện nay đều không nằm ngoài mục đích là rèn luyện thể dục thể thao, khác xa mục đích ban đầu là vũ khí để chống kẻ thù. Và mỗi môn võ đều có tôn chỉ riêng, triết lý riêng, phương pháp luyện tập riêng, phương pháp thi đấu và tính điểm riêng. Nếu Quyền anh hay MMA, Muay Thái thắng đối phương bằng cách làm cho đối phương đo ván, nằm sàn, mất khả năng chống cự, thậm chí máu me đầy mặt... thì có lẽ Judo hay võ dưỡng sinh trong hiện đại sẽ không làm được điều đó. Bởi vì triết lý luyện tập cũng như đòn thế của những môn này khác những môn kia. Và như vậy, nếu nói Judo hay võ dưỡng sinh mãi mãi không bằng được MMA hay Quyền anh, thì đó là sự so sánh phiến diện và vô cùng khập khiễng.
Có người cho rằng, võ thuật là phải chiến đấu triệt hạ đối phương, phải đánh cho đối phương không ngóc đầu lên nổi thì mới gọi là võ, còn những thứ múa may, đóng phim, biểu diễn... thì không nên gọi là võ thuật. Nếu nói như vậy, đối với súng, cung, ná, nỏ... thì khi thi đấu, mũi đạn làn tên phải ghim vào người nhau, nếu phóng lao, đấu kiếm thì phải đầu rơi máu đổ hay sao? Đã là thể thao thì nên tôn trọng luật chơi của nhau. Súng, cung, ná, nỏ thì bắn bia tính điểm, ném lao thì tính độ xa, bơi thì có thi đối kháng và thi biểu diễn, thì võ thuật cũng vậy. Quyền anh hay MMA thì đấu đối kháng, Taekwondo hay Wushu thì đối kháng có, biểu diễn có, riêng võ dưỡng sinh của các cụ già thì chỉ có biểu diễn thôi. Tất cả đều đáng được tôn trọng.