Xung quanh câu chuyện dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia được đưa lên bàn nghị sự và đang gây phân cực nghị trường, nhiều độc giả VnExpress cho rằng "không thể coi rượu bia là văn hóa":
Bia, rượu là lĩnh vực phát triển rất nhiều ngành nghề ăn theo như hàng quán, dịch vụ ăn nhậu (cung cấp dịch vụ và phục vụ nhậu nhẹt), dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, bệnh viên, dịch vụ tang ma. Nhưng bia rượu lại là kẻ thù làm giảm năng suất lao động kể cả chân tay hay trí tuệ. Đặc biệt nó là kẻ thù của những người hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ cao vì sức tàn phá nơron thần kinh sau những cuốc nhậu ghê gớm (lĩnh vực quản lý và xã giao thì không phải là trí tuệ cao nên không ảnh hưởng nhiều).
Nhưng sau những ngày làm việc vất vả người dân cần một hình thức giải trí để tái tạo sức lao động và giao tiếp xã hội, nhưng có vẻ thiếu thốn về mặt này nên lựa chọn gần như duy nhất của đa số dân chúng là bia rượu (khác với các dân tộc Do Thái hay Phương Tây họ thích đi hội thảo, sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, đọc sách và uống cocktail). Vậy chúng ta có thể áp dụng hình thức giải trí tiên tiến cho xã hội Việt Nam hay không? Xin trả lời rằng "không", do trình độ dân trí thấp không thể áp dụng đọc sách, hội thảo nghề nghiệp và khoa học, cũng không thể áp dụng cao các hình thức sinh hoạt tôn giáo vì người Việt đa phần không theo các tôn giáo lớn.
Do đó, để ngăn chặn rượu bia, nên nâng cao dân trí nhằm tạo những thói quen tốt như đọc sách, hội thảo khoa học chuyên ngành... Rượu bia thường gắn liền với đói nghèo hoặc không công việc, do đó cần phải phát triển kinh tế tạo công ăn việc làm ổn định thì người dân mới bớt đi thời gian uống rượu.
Từ đầu thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, khi ra đời, đạo Hồi đã nhận thức chất có cồn là một trong những nguyên nhân gây ra tội ác nên đã cấm người Hồi giáo uống các chất có cồn. Cho đến nay điều cấm này vẫn còn nguyên hiệu lực, chính quyền các nước Hồi giáo rất nghiêm khắc với những người dân uống rượu, bia. Thật nực cười với những ai cho rằng uống là nét văn hóa của dân tộc ta. Không rõ cách đây cả trăm năm, tỷ lệ dân ta uống rượu là bao nhiêu phần trăm mà khẳng định uống rượu, bia là nét văn hóa của dân tộc. Tôi khẳng định, tệ nạn uống nhiều rượu, bia mới xuất hiện từ vài chục năm.
Nguyễn Văn Pha
Tôi đã từng nghe câu này: "Rượu vốn dĩ không màu, nhưng nó có thể làm đỏ mặt và làm đen danh dự". Khi người ta tìm đến hơi men để lấy thêm dũng cảm hoặc để giải tỏa nỗi buồn thì đó là hèn nhát vì không tìm được cách tích cực hơn để vượt qua chính mình Khi tìm đến hơi men để tăng thêm niềm hưng phấn thì đó là sự thiếu sáng suốt vì không tìm ra cách chia sẻ niềm vui tốt hơn. Tìm đến hơi men để tăng niềm vui hoặc giảm nỗi buồn đều là phương pháp hết sức tiêu cực. Chốt lại không thể coi rượu bia là văn hóa, đó chỉ là sự ngụy biện cho việc bắt chước lại những người đi trước mà không thực sự suy xét một cách sáng suốt hơn.
Tôi có vài câu hỏi muốn hỏi các chú, các bác cứ động đến rượu bia là lôi văn hoá với truyền thống ra:
- Ngày xưa người ta có di chuyển bằng phương tiện cơ giới không, hay chỉ đi bộ hoặc có đi xe cũng chỉ là xe ngựa xe bò?
- Ngày xưa những người mắc bệnh do rượu bia (các bệnh về gan, ngộ độc rượu, ung thư...) hoặc gặp tai nạn do rượu bia có được chữa trị bằng tiền đóng bảo hiểm y tế của những người khác không?
- Giá rượu bia so với mức thu nhập bình quân ngày xưa có rẻ như bây giờ không?
Riêng đối với dân nhậu thì không bao giờ có chuyện biết kiềm chế bản thân. Họ chỉ cần đi bộ đến quán không đi xe là xã hội đỡ khổ rồi. Công ty của tôi gặp đối tác là phải tổ chức tiệc chứ không phải mấy kiểu ngồi lê la vớ vẩn mấy quán ven đường. Các quán nhậu toàn những người thích buôn dưa lê, uống say vạ vật ở đấy chứ chả phải quan hệ xã giao gì. Do tính thích nhậu của người Việt thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.