Anh lệ thuộc vào rượu, bia. Các biểu hiện đặc trưng là thường xuyên thèm uống, lượng uống tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống. Nói nôm na là anh tôi nghiện rượu. Anh có thể uống rượu từ sáng sớm đến tối hoặc từ tối đến sáng hôm sau. Hậu quả thì ai cũng có thể tưởng tượng. Gia đình chịu đủ, nhất là vợ con. Xã hội cũng gián tiếp chịu những chi phí cấp cứu, điều trị.
Bạn tôi nghe chuyện tôi kể, hỏi ngược lại, rằng chuyện của anh là do tính cách bản thân con người, hay là do rượu tạo nên. "Rượu", tôi trả lời. Nếu không có rượu thì cuộc đời anh tôi đã khác. Rượu nguy hiểm hơn ma túy ở một đặc trưng là không có cảnh báo. Sự sa đà vào rượu rất dễ dàng và từ từ, nên nhận thức của chính đối tượng lẫn những người xung quanh cũng không rõ ràng. Sự phản ứng thông thường chỉ làm người say tủi thân, mang cảm giác xa lánh và lại tìm đến rượu.
Bi kịch rượu bia không còn là hiện tượng đơn lẻ trong xã hội nữa. Khi có một vụ án nguyên nhân từ rượu chè thì những biên tập viên như tôi cũng không còn coi đó là tin tức đặc biệt nữa. Lạm dụng rượu bia, say rượu, tai nạn do rượu xảy ra hằng ngày và hầu như không tạo sự chú ý đối với công chúng.
Năm 2017, bình quân một người Việt Nam tiêu thụ 8,9 lít cồn nguyên chất, tăng 24,5 lần so với năm 1990. Người Việt uống cồn nhiều gấp 20% so với mức trung bình của thế giới. Con số này được dự báo là tiếp tục tăng.
Trong thời gian chờ biện pháp mạnh, người Việt vẫn cần mẫn uống các loại chất có cồn. Khi hàng loạt vụ tai nạn do tài xế quá chén thì thực trang này lại được xới lên. Để giải quyết vấn đề, một cuộc đi bộ tập thể với sự tham gia của nhiều quan chức diễn ra ở Hồ Gươm với lời kêu gọi "Đã uống rượu bia - không lái xe". Và hơn chục ngày sau đó, dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia được đưa lên bàn nghị sự.
Những tưởng trước những thông tin thời sự về tác hại của rượu bia, dự thảo nhanh chóng được thông qua với những chế tài nghiêm khắc hơn đối với rượu bia - hay nói chính xác hơn là hành vi nạp rượu bia vào cơ thể. Nhưng không: ngay cả vấn đề lái xe sau khi sử dụng rượu bia cũng đã làm nghị trường phân cực.
Phương án 1 của dự thảo với quy định "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" không được quá bán. Một đại biểu có trách nhiệm giải thích thêm phương án này đơn giản là "đã uống rượu bia thì không lái xe". Nhưng dù đã giản lược về ngôn ngữ đến mức tối đa, phương án này vẫn không "vượt rào".
Phương án 2 có quy định nhẹ nhàng hơn khi chỉ "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông". Nhưng nó cũng không được đa số đại biểu tán đồng.
Với nội dung về thời gian bán rượu, bia, cả 2 phương án "cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau" và "không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ" đều không tìm đủ số phiếu tán thành.
Sự phân cực của nghị trường trước những điều luật liên quan đến uống cồn nói lên một thực tế, là nhận thức về bia rượu ở Việt Nam chưa đồng nhất. Nhiều người vẫn nói về lợi ích kinh tế của hoạt động sản xuất và buôn bán bia rượu; vẫn nói về uống rượu như là một phần bản sắc dân tộc. Trên nghị trường, có đại biểu quốc hội phát biểu công khai về việc tiếp cận dự luật từ góc độ văn hóa, thậm chí dẫn cả thơ của Hồ Chủ tịch để nói về thú uống rượu mà ông gọi là văn hóa của cả nhân loại.
Tôi nghĩ đến chuyện của anh tôi, và tự hỏi rằng xã hội Việt Nam đã nhận thức được đầy đủ tác hại của bia rượu chưa? Việc uống rượu lái xe thật ra đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ rồi, việc có được thông qua lần này hay không theo tôi không quá nguy cấp. Câu hỏi là: chống tác hại của bia rượu có phải chỉ là chống hành vi lái xe gây tai nạn?
Uống cồn, khi vẫn được chấp nhận rộng rãi ở quy mô xã hội, tạo ra những tác động ngấm ngầm không dễ nhìn thấy như tai nạn giao thông. Người ta ngồi với nhau rất dễ, uống rất dễ, và phụ thuộc vào nó rất dễ. Rượu nhờ thế có thể từ từ bào mòn nhân cách, từ từ hủy hoại các kết cấu gia đình và kinh tế mà không cần đến biểu hiện bạo lực.
Các cụ trong nhà tôi gọi người nghiện rượu là "vận hạn của gia đình". Nhưng vận hạn của gia đình tôi, là rượu và cái cách uống rượu dễ dàng được chấp nhận. Trong một kịch bản khác, nếu người nghiện lậm vào ma túy, cờ bạc hay thậm chí là games, đối tượng sẽ được gọi tên ra ngay, phương pháp "phòng chống tác hại" sẽ khác. Nhưng rượu được chấp nhận bình thản hơn thế: bản thân nó là bình thường, chỉ có uống nhiều là không bình thường.
Thông qua vài điều luật không quan trọng bằng việc chúng ta thay đổi nhận thức triệt để về một vấn đề. Rượu chưa bao giờ được tuyên truyền đúng đắn trong vai trò một chất kích thích có khả năng gây nghiện (khi khả năng gây nghiện của nó còn cao hơn cần sa), có khả năng ảnh hưởng hệ thần kinh. Rượu vẫn đang được các học giả, các nhà thơ, và tất nhiên là các hãng sản xuất có hàng nghìn tỷ tiền vốn tuyên truyền như văn hóa, như phong cách người thành đạt. Có thông qua dăm ba điều luật siết chặt việc buôn bán, mà vẫn mang nhận thức kiểu "uống là văn hóa nhân loại" cũng không thể phòng chống tác hại rượu bia theo đúng nét nghĩa của nó.
Cần nói thêm là rất nhiều phần của nhân loại không coi rượu bia và uống rượu bia là "bình thường". Họ đánh thuế nặng mặt hàng này, như một thông điệp rõ ràng rằng xã hội không khuyến khích việc tiêu dùng nói chung.
Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để thay đổi thông điệp cả tuyên truyền, vận động lẫn lập pháp thành: "Hạn chế uống bia rượu". Tinh thần này sẽ được đưa vào luật, vào triết lý giáo dục và cả văn hóa đại chúng. Hay là ta vẫn sẽ chỉ đi bộ trên bờ hồ với thông điệp "Đã uống bia rượu - không lái xe", điều chỉnh hành vi hẹp thế thôi, chứ còn uống rượu ở nghĩa rộng, thì vẫn phải để cho nó yên là một loại... văn hóa?
Trần Anh Tú