Sự việc anh M.X.L. (33 tuổi, Quảng Trị) bị đâm và mới tử vong ngày 4-3 chỉ vì nhắc một thiếu niên 16 tuổi chạy xe ẩu và vượt đèn đỏ cho thấy mức độ tăng tốc cái ác trong xã hội hiện thời đã không có điểm dừng.
Rất nhiều xúc cảm và thái độ đã bày tỏ trước sự việc phải nói là nằm ngoài nhận thức chung của phần đông cá nhân thuộc về "cộng đồng người", nhưng có một thái độ đáng sợ hơn: từ nay (có thể) không ai dám ngăn khi gặp hành vi sai trái của người khác (tất nhiên là hệ quả từ rất nhiều vụ mất mạng chỉ vì cản cãi nhau, ngăn đánh lộn...).
Tôi nhớ một lần, vào khoảng năm 1995 khi chạy xe máy từ Tân An (Long An) về Cần Thơ, trên đường gặp một gia đình chồng chạy xe Honda chở vợ bế đứa con nhỏ chạy cùng chiều. Tôi xem tốc độ xe mình lúc đó gần 70km/h.
Người đàn ông kia có vẻ tiếp tục tăng tốc. Đường ngày đó chưa phân làn, ôtô lưu thông khá đông. Lo ngại cho đứa bé vì quan sát thấy người mẹ bế con rất thiếu an toàn tôi vọt lên, áp sát xe họ và nói với người đàn ông: Anh chở theo con nít, chạy chậm thôi. Người đàn ông ngó tôi không nói gì và vẫn giữ tốc độ hơn 70km/giờ. Tôi kèm tiếp người này thêm chừng hơn trăm mét nữa, thấy tôi có vẻ cương quyết anh ta giảm tốc độ dần xuống hơn 50km. Tôi đi theo một đoạn, thấy anh ta giữ tốc độ đó nên tôi vọt lên đi trước.
>> Thời 'nhìn đểu cũng bị đâm dao', tôi dặn con một sự nhịn chín sự lành
Sau này đi đường, tôi hay để ý, nếu thấy ai đó lái ôtô, xe máy chở theo trẻ con mà đi ẩu, tôi rất muốn tỏ thái độ. Thế nhưng...
Cách đây hai năm, một lần đi xe đạp trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) tôi gặp một ôtô chở theo hàng chục học sinh tiểu học (loại xe đưa đón học sinh mỗi ngày). Đường đông, lộn xộn nhưng cách chạy xe của anh tài này khá ẩu.
Khi anh ta chạy lấn hết đường của xe máy, tôi vỗ vỗ vào thành xe ra ý nhắc chở học sinh phải đi cẩn thận. Lập tức anh ta mở cửa phía lái, thò cổ ra chửi phủ đầu tôi bằng một loại ngôn ngữ cực kỳ lưu manh.
Tôi nhấn bàn đạp lên sát, nói với anh ta: Anh đang chở các em nhỏ đó. Không thèm để ý đường nữa, anh ta cứ ngó cổ ra phía tôi mà ném những từ tục tĩu bẩn thỉu nhất.
Tôi giận run lên, nhưng nghĩ về sự "lép vế" và thiệt thân của những ai muốn làm điều tốt nơi công cộng, tôi đành nuốt uất ức trong lòng.(Thực tế hôm đó cũng chẳng có ai di đường "hỗ trợ"tôi cả).
>> 'Giáo dục đạo đức học đường nhiều năm không thay đổi'
Cũng mới đây thôi, tại ngã tư đông đúc Trần Duy Hưng- Phạm Hùng (Hà Nội) tôi và đông người dừng đèn đỏ chứng kiến một ông bố trẻ chở theo cậu con trai chừng 10 tuổi không đội mũ bảo hiểm ngang nhiên vượt đèn đỏ, len lách giữa những chiếc xe máy, cả xe container đang lưu thông theo chiều cắt mặt.
Tức muốn nổ con mắt, nhưng chỉ biết "chửi"thầm: mày muốn chết thì kệ nhưng đừng để đứa trẻ chết oan! Rồi hai ngày sau tôi lại gặp một đôi vợ chồng rất trẻ, ăn mặc khá diện, cũng kẹp đứa con chừng hai tuổi...vô tư vượt đèn đỏ giữa một ngã tư đông đúc.
Nhiều, nhiều những ông bố, bà mẹ rất trẻ chở con phía sau mặc đồng phục học sinh ngang nhiên vượt đèn đỏ.
Tôi không hiểu những "anh bố, chị mẹ" đó nghĩ gì khi cha mẹ sinh ra mình đã biết mấy gian nan; đến lượt mình, yêu đương, xây dựng gia đình, có được đứa con nuôi nấng vất vả, cưng nựng chiều chuộng nhưng lại nông nổi một cách vô ý thức đến mức cực ngu xuẩn là đẩy con vào khoảnh khắc đầy rủi ro trong tích tắc mà không vì bất cứ lý do chính đáng nào ngoài chính sự ngu xuẩn của mình.
Trở lại câu chuyện ở Quảng Trị, cũng có thể ngoài lý do nhắc nhở cậu thiếu niên phạm luật giao thông, cũng giống tôi, anh ấy lo cho tính mạng của chính cậu thiếu niên kia và tiếc cho công sinh thành nuôi nấng của cha mẹ cậu ấy.
Nhưng thật nghiệt ngã đến mức vô lý: anh lại bị đâm chết chỉ vì không muốn cậu ấy chết vô nghĩa.
>> Đạo đức 'thẩm thấu' vào mỗi người từ những điều giản dị trong cuộc sống
Không có ngôn ngữ nào giải thích được trạng huống này. Điều đáng nói hơn: khi một xã hội xuất hiện từng nấc một những biểu hiện của cái ác phi lý, ngăn cãi nhau bị đâm, không đổi tiền lẻ cho bị đập gạch vào đầu, không uống rượu được mời bị đâm, nhắc con ruột đi chơi về muộn cũng bị giết, nhắc đừng vượt đèn đỏ cũng bị đâm chết...thì đó có còn là một xã hội hợp thành từ các thành viên được gọi là con người nữa không?
Xã hội ấy sẽ lao về hướng nào khi cái ác hoành hành mà biện pháp ngăn ngừa mang tính cổ xưa và giản đơn nhất là "bảo ban nhau"không những không còn tác dụng, thậm chí trở nên nguy hiểm?
Xã hội đang dồn dập xuất hiện cái xấu gây rúng động, trong khi đó, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đã không chỉ không kịp thời mà còn thiếu hiệu lực.
Chúng ta đã hô hào quá nhiều. Việc buông lỏng luật pháp là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng sống vô pháp.
Thay vì phải để người không có chức năng bắt cướp lao ra đường bắt cướp, người không có nhiệm vụ ngăn cản ai đó vượt đèn đỏ giao thông...lực lượng công an, cảnh sát giao thông (nói rộng ra là các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực thi luật pháp) phải thực hiện nghiêm, triệt để nhiệm vụ của mình.
Kỷ cương, luật pháp phải được thực thi nghiêm túc ở mọi nơi, mọi lúc- đó là mệnh lệnh của xã hội lúc này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.