Không phải đợi đến khi đi học, mỗi chúng ta mới được biết đến môn đạo đức. Ngay từ khi tập nói, có lẽ khi ấy mỗi người quá nhỏ để nhớ ra, chúng ta đã được bà, mẹ tập khoanh tay trước ngực và nói "ạ đi con, ạ..." mỗi khi ta gặp người lớn.
Biết "ạ" khi được cho quà, biết "ạ" một ai đó xa lạ với ta nhưng lớn tuổi hơn. Chúng ta chưa biết tại sao cần phải "ạ". Nhưng ta hiểu làm thế là đúng, là ngoan.
Sau này vào lớp mẫu giáo, chúng ta được học lễ phép với ông bà, bố mẹ, người thân, cô giáo và cách giao tiếp hòa ái với bạn bè. Mặc dù không hiểu nhiều, nhưng ta dần vào khuôn phép, không làm ồn ào, không chọc ghẹo và đánh bạn. Chúng ta không còn là cậu ấm, cô chiêu được nuông chiều như ở nhà.
Ở lớp cô thương chúng ta, nhưng không phải chỉ riêng ta mà còn nhiều bạn khác. Và cứ thế, môn Đạo đức, Giáo dục công dân theo ta trong suốt hành trình cắp sách đến trường, từ tiểu học đến tận trung học phổ thông. Suốt một hành trình đó, đến khi ta ở độ tuổi là một công dân thực thụ.
>> Bài viết cùng tác giả: Con hư - cha mẹ có lỗi trước khi trách nhà trường
Bao nhiêu đó, liệu đã đủ cho mỗi chúng ta thực hành? Và để trưởng thành? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong chương trình tiểu học có môn học Đạo Đức, nhưng khi bước vào bậc Trung học cơ sở thì đã chuyển thành Giáo dục công dân?
Theo tôi nghĩ, đó là một sự chuyển đổi có tính trang trọng và là sự trân trọng mà ngành giáo dục mang đến cho chúng ta. Bởi, cho dù bạn đang là những cô cậu thiếu niên thì giá trị của bạn đã được định hình và ghi nhận. Ở tuổi này, bạn có thể đã giúp bố mẹ làm việc nhà, làm việc đồng, chăm lo cho em nhỏ. Bạn đã biết chăm chỉ tự học và cũng biết từ chối những lần tụ tập chơi game.
Việc ấy cũng cần bản lĩnh lắm. Bạn và tôi thử đếm xem mình đã học môn học này trong bao nhiêu năm, hơn 12 năm học và chắc là phải học cả đời. Có bao nhiêu nội dung bạn còn nhớ, có bao nhiêu điều bạn vô tình hay hữu ý mà làm trái với chính lương tâm mình?
Tôi muốn hỏi sau những con điểm đẹp trong môn Giáo dục công dân này, chúng ta đã thực hành được bao nhiêu? Bao nhiêu nội dung được tôi và bạn thực hành đến mức nó không còn là kiến thức khô khan mà ta từng học thuộc, mà chuyển thành giá trị của chính bản thân ta?
>> Bài viết cùng tác giả: Nhiều người bất mãn công việc và sếp nhưng không chịu bỏ việc
Trong thời gian gần đây, tôi thấy có nhiều ý kiến mong muốn có môn học Đạo đức trong chương trình đại học. Đó hẳn là một tín hiệu vui trong bối cảnh có quá nhiều lo toan khi niềm tin bị lung lạc. Nhưng trước khi điều đó trở thành hiện thực, nên chăng mỗi chúng ta tự mình tìm về những bài học năm xưa và quyết tâm thực hành những điều cho dù nhỏ bé, ngay trong cuộc sống hằng ngày. Đạo đức là giá trị của mỗi cá nhân. Do cá nhân phần nhiều tự tu dưỡng.
Nếu bạn gặp một người bạn học tiếng Anh giỏi, nói năng lưu loát thì bạn sẽ tìm hiểu được bạn ấy đã học tại trung tâm nào, phương pháp ra sao. Nhưng nếu bạn hỏi một người họ đã học gì mà trở nên đạo đức như thế thì tôi cho là mãi mãi chẳng thể nào có nổi một đáp án.
Tôi còn nhớ trong một chương trình giao lưu, một diễn giả đã chia sẻ một nội dung rất hay về vấn đề đạo đức. Theo vị này, đạo đức không thể gọi tên theo cách chung chung, như vậy rất mơ hồ và cũng dễ sa vào lý thuyết hóa đạo đức.
Đạo đức là những giá trị cụ thể. Chúng ta có thể liệt kê ra những hành vi thế nào là có đạo đức, thế nào là không. Và từ đó chúng ta sẽ tự rèn giũa mình. Từ chính mình chứ không phải bổ đầu mà nhét chữ.
Thật ra học đại học không hẳn là không có môn học về đạo đức. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy đi học đầy đủ, tôn trọng giảng viên cũng là đạo đức; không "xào nấu" bài vở, luận văn của người khác là đạo đức; nhường ghế cho người già, bà bầu, em nhỏ cũng là đạo đức. Thỉnh thoảng tôi đi xe buýt, thấy nhiều cô bác cao tuổi bước lên mà các anh chị tiếp viên yêu cầu mãi mới có một bạn trẻ đứng lên nhường chỗ.
Tôi tin là bạn ấy không phải không biết về giá trị đó, chỉ là bạn lỡ quên trong chốc lát thôi. Đạo đức, theo tôi nghĩ, nó bắt đầu từ những điều gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Không hẳn chỉ trong những bài giảng mà trong thực tế còn muôn màu muôn vẻ hơn.
Tôi tin một khi trưởng thành hơn, những giá trị tốt đẹp sẽ trở thành nhân cách của chính con người chúng ta. Không phải một kiểu đạo đức từ chương sách vở mà rất tự nhiên, rất chân thành và giàu nhân ái.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.